Chưa một lần làm mẹ, cô giáo Trần Thị Mai Trâm luôn phấn đấu để là "người mẹ" ở trường của con trẻ; hơn thế nữa, là người "truyền lửa" công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ mầm non.
Chưa một lần làm mẹ, cô giáo Trần Thị Mai Trâm luôn phấn đấu để là “người mẹ” ở trường của con trẻ; hơn thế nữa, là người “truyền lửa” công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ mầm non.
Cô giáo Trần Thị Mai Trâm cùng trẻ hoạt động |
•
TỪ ƯỚC MƠ ĐƯỢC TRỞ THÀNH CÔ GIÁO
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở thôn Hòa Lạc, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, từ nhỏ cô bé Trâm đã ấp ủ niềm mơ ước lớn lên sẽ làm cô giáo dạy con chữ, nết người cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số ở nơi đây.
Được cha mẹ động viên, khích lệ, mong cho cô con gái mảnh mai sau này có công ăn việc làm, không phải một đời chân lấm tay bùn với công việc đồng áng, cô học trò nhỏ Trâm ngày ấy cũng chuyên tâm học hành hơn, nên kết quả học tập cũng khá cao, luôn trong tốp đầu của lớp, của trường.
Mọi sự cố gắng nỗ lực, vượt qua biết bao gian khó của cô sinh viên từ vùng quê lên thành phố học rồi cũng được đền đáp xứng đáng với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành Sư phạm mầm non. Nhưng cũng chính từ đây, lại một lần nữa cô giáo trẻ phải đấu tranh với chính bản thân mình để đưa ra quyết định, giữa một bên là ở lại nơi phố thị phồn hoa, và một bên là trở về với vùng quê nghèo chân chất. Thế rồi những ký ức tuổi thơ của đứa trẻ thời chăn trâu cắt cỏ, đội cả nắng mưa tới trường... đã thôi thúc cô giáo trẻ trở lại quê nhà với công việc “gõ đầu trẻ”.
•
ĐẾN NGƯỜI MẸ Ở TRƯỜNG CỦA CON TRẺ
Cô Trâm chậm rãi chia sẻ, cô sẽ không bao giờ quên ngày khai giảng năm học 2014-2015 của Trường Mầm non Đạ K’nàng (Đam Rông), cũng là năm học đầu tiên cô chính thức được trở thành giáo viên. Dù nhà ở xa trường, phải vượt hơn 40 km đường đèo nhưng cô vẫn đến rất sớm để cùng các cô giáo khác chuẩn bị lễ khai giảng. Hơn thế nữa là niềm vui và hạnh phúc tràn đầy khi ước mơ từ thời ấu thơ nay đã hiện thực.
Dù đã cố gắng chuẩn bị rất kỹ hành trang tích lũy suốt thời sinh viên sư phạm, sẵn sàng đón trẻ ngày đầu đến trường, nhưng điều đó hoàn toàn không có ý nghĩa khi trẻ đến trường hầu hết chưa hiểu tiếng Việt, mà cô thì hoàn toàn không biết tiếng mẹ đẻ của các em... Buổi đầu tiên vào nghề là như thế, những con trẻ rời vòng tay người thân, vào lớp học, mếu máo khóc - cô giáo loay hoay dỗ dành trẻ, bất lực, rưng rưng tròng mắt...
Không thể bỏ cuộc, vì đây là nghề mình đã chọn, thế là ngày làm cô giáo của trẻ, tối về làm trò của cha mẹ trẻ. Lân la làm quen phụ huynh để học những từ ngữ đơn giản, sử dụng thường ngày, hỏi han đồng nghiệp nhờ chỉ bảo những từ chuyên môn bằng tiếng địa phương... rồi cô và trò cũng giao tiếp được cả tiếng Việt và tiếng địa phương.
Cứ như vậy, với “tình yêu nghề, mến trẻ”, những kiến thức về tâm sinh lý trẻ mầm non và phương pháp mới về chăm sóc giáo dục trẻ được trang bị trên giảng đường sư phạm đã được cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết áp dụng linh hoạt vào công việc hằng ngày... Những đứa trẻ ngơ ngác, lấm lét nhìn cô giáo ngày nào, nay đã quây quần, chờ được cô dạy vẽ tranh, múa hát, đọc thơ hay kể chuyện... vội vã xà vào lòng cô giáo mỗi sáng sớm khi đến trường, hay bịn rịn bên cô mỗi chiều tà tan lớp... như với chính người mẹ thân yêu ở nhà. Và từng ngày, từng ngày cứ nối tiếp nhau thư thế, những tố chất năng động của cô học trò mảnh mai nhanh nhẹn ngày nào cũng dần được khẳng định trong môi trường mới.
Tám năm trong nghề là tám năm cô giáo Trần Thị Mai Trâm đạt giáo viên giỏi cấp trường, trong đó hai năm đạt giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp huyện. Đặc biệt, năm học 2016-2017, cô đoạt giải Nhất cấp huyện, giải Khuyến khích cấp tỉnh và được chọn gửi bài tham dự hội thi thiết kế bài giảng điện tử elearning cấp Trung ương. Năm học 2020-2021, cô đạt giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được tặng thưởng nhiều giấy khen của cấp trường, cấp huyện, cấp sở, bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
•
VÀ “TRUYỀN LỬA” CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Biết cô Trâm được Sở Giáo dục và Đào tạo tin tưởng phân công làm Tổ trưởng Tổ Công nghệ thông tin của bậc học mầm non trong toàn tỉnh, không chỉ các giáo viên trong trường mà nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường khác trong tỉnh đã liên hệ để được học hỏi về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy.
Cũng chính từ ngôi nhà nhỏ bé nơi vùng xa này, mỗi buổi tối hay ngày nghỉ cuối tuần, cô giáo nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực và tâm huyết với nghề ấy lại cùng “sóng và máy tính” hướng dẫn cho biết bao giáo viên về thiết kế bài giảng Powerpoint nâng cao, chèn, cắt video, ghi âm trực tiếp trên PPT, thiết kế game trên PPT. Các phần mềm thiết kế, hỗ trợ tạo các bài giảng như elearning Storyline 3, Activlnspire, hay khai thác các phần mềm, ứng dụng trong dạy trẻ như: Kĩ năng thoát hiểm cho bé, Bút chì thông minh, Bé học mầm non, Trò chơi ghép hình...
Như thấu hiểu suy nghĩ của tôi, cô Trâm chia sẻ, mặc dù không được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng với những kiến thức cơ bản được học ở trường sư phạm, và tự học tập, nghiên cứu trên sách, báo, intenet... mới có thể tự tin ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ mầm non như ngày hôm nay.
“Ứng dụng công nghệ thông tin là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để giúp trẻ khám phá, tìm hiểu và lĩnh hội tri thức...” - Cô Trâm chia sẻ.
Chia tay cô giáo Trâm đầy nhiệt huyết, tôi tin tưởng rằng thông qua công nghệ thông tin, tình yêu nghề trong cô ngày càng lan tỏa đến nhiều giáo viên khác. Như lời bà Võ Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ K’nàng tự hào khi nói về cô, là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, sáng tạo và phấn đấu không ngừng nghỉ. Xứng đáng là người mẹ ở trường của con trẻ, người “truyền lửa” công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ mầm non ở Lâm Đồng.
ĐỨC THIỆM