Nỗ lực một trường vùng ven

06:11, 19/11/2021

Ít người biết Trường THCS&THPT Xuân Trường tuy ở địa bàn thành phố Đà Lạt, thuộc khối thi đua vùng 1 của ngành Giáo dục tỉnh, nhưng nhiều khó khăn...

Ít người biết Trường THCS&THPT Xuân Trường tuy ở địa bàn thành phố Đà Lạt, thuộc khối thi đua vùng 1 của ngành Giáo dục tỉnh, nhưng nhiều khó khăn, bởi đây là trường vùng ven, “trường bước đệm”. Thế nhưng, 6 năm liền nhà trường được UBND tỉnh công nhận đạt “Tập thể lao động xuất sắc”. 
 
Tuần đầu tiên Trường THCS&THPT Xuân Trường tổ chức dạy học trực tiếp
Tuần đầu tiên Trường THCS&THPT Xuân Trường tổ chức dạy học trực tiếp
 
•  VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN 
 
Với 36 năm thành lập, những thành quả mà Trường THCS&THPT Xuân Trường không ngừng vươn lên trong nhiều năm nay là điều đã được khẳng định. Năm học 2020-2021, trường là một trong 9 đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) được đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen “Tập thể đạt thành tích xuất sắc năm học”. Năm học này, trường vẫn ổn định 32 lớp nhưng tăng 1,6% học sinh so với năm học trước, với tổng số 1.208 em. Toàn trường có 74 cán bộ, giáo viên và nhân viên; trong đó, cán bộ, giáo viên trình độ đạt trên chuẩn 4 người và đạt chuẩn 43 người. 
 
Trong những nhiệm vụ mà THCS&THPT Xuân Trường xác định và nỗ lực phấn đấu là phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Lãnh đạo trường phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và phân công giáo viên phụ trách giảng dạy hướng nghiệp theo hướng chú trọng việc tạo cho học sinh chủ động với định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực bản thân. Dù nhiều khó khăn nhưng qua tuyên truyền tích cực của trường, nhiều phụ huynh và học sinh đã có ý thức về hướng nghiệp chọn nghề, chủ động chuyển sang học nghề cho học sinh. Giáo dục mũi nhọn vẫn là nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh theo chiến lược dài hơi. Các tổ nhóm chuyên môn có kế hoạch bồi dưỡng từ học kỳ II năm học trước, phân công cụ thể giáo viên đảm bảo tính bền vững và kế thừa, liên tục gặt hái thành công tại các kỳ thi học sinh giỏi và các phong trào. Năm 2019-2020, có 4 học sinh đoạt 2 giải quốc gia về nghiên cứu khoa học; 11 học sinh giỏi cấp tỉnh; 4 học sinh giỏi cấp thành phố; nhiều huy chương và giải Nhất các phong trào... Năm học 2020-2021, giữ vững thành tích nghiên cứu khoa học; học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 2 em; học sinh giỏi cấp thành phố tăng 3 em; 24 giải, huy chương các cuộc thi phong trào...
 
Năm học 2020-2021, Trường THCS&THPT Xuân Trường có 7 đề tài nghiên cứu khoa học của thầy và trò; trong đó, 3 đề tài được trường nghiệm thu, 2 đề tài đoạt giải Nhì, giải Tư cấp tỉnh. Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên tỉnh Lâm Đồng trường có 1 đề tài đoạt giải Nhất. Nhà trường có 52 em THCS và 27 em THPT là các dân tộc Hoa, Nùng, Sán Dìu... Quan tâm đặc biệt từ đầu năm học bằng thực hiện các chính sách của Nhà nước, nắm bắt hoàn cảnh gia đình để hỗ trợ kịp thời nên số học sinh này luôn được hòa nhập và cùng tiến bộ...
 
Kết quả năm học 2020-2021 là “quả ngọt” của sự vun trồng chăm sóc: Hạnh kiểm của học sinh tiến bộ rõ rệt hơn năm trước, gồm loại tốt có gần 84% (tăng trên 5%); khá 13,7%; trung bình 2,4% (giảm trên 2%) và yếu 0,08%. Về học lực, giỏi và khá đạt gần 70,3%; yếu, kém 2,9%; học sinh khá, giỏi tăng hơn so với năm học 2019-2020 gần 3,2% và số lượng học sinh yếu kém giảm.
 
Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đỗ Xuân Hùng cho biết: “Trường đã đạt chuẩn kiểm định cấp độ 2 và chuẩn quốc gia vào tháng 12/2017. Hiện nay nhà trường đang thực hiện đánh giá hàng năm theo Thông tư 18/2018 của Bộ GDĐT, cải tiến chất lượng để đến năm 2022 đánh giá lại phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2 và kiểm định cấp độ 3”. Ngoài yếu tố thuận lợi như tập thể đội ngũ nhà trường đoàn kết, nỗ lực sáng tạo, phấn đấu không ngừng, đó còn là sự quan tâm, phối hợp của ngành và địa phương; học sinh chăm ngoan, ý thức tốt trong học tập, rèn luyện. Đó là nền tảng để THCS&THPT Xuân Trường từ năm 2014-2020 là Tập thể lao động xuất sắc; năm 2016-2017 được tặng bằng khen của Bộ GDĐT và 2 năm học (2017-2018, 2020-2021) được tặng bằng khen UBND tỉnh...
 
•  ĐỂ ĐẠT CHUẨN KIỂM ĐỊNH MỨC ĐỘ 3
 
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như Hiệu trưởng Đỗ Xuân Hùng nêu trên, Trường THCS&THPT Xuân Trường dĩ nhiên đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cần chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trong đó, sự nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ nhiều hơn nữa của một số giáo viên, nhất là khối THPT. Hiện trường chưa có giáo viên Mĩ thuật cơ hữu và số giáo viên hợp đồng còn nhiều nên chưa thực sự an tâm công tác...
 
Mặt khác, còn nhiều khó khăn khách quan rất cần sự quan tâm giúp đỡ. Là trường đảm nhận dạy học học sinh hai xã Xuân Trường và Trạm Hành nên có những học sinh cách xa trường. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên phần lớn điều kiện kinh tế không cao. Hầu hết phụ huynh tập trung lo kinh tế, ít có thời gian chăm sóc, hướng dẫn con em học tập cũng như cung cấp đầy đủ các học cụ để đáp ứng việc dạy và học trong tình hình mới. Nhận thức của một bộ phận phụ huynh chưa đầy đủ về đổi mới giáo dục; một số phụ huynh xem nhẹ việc học tập của con em. Sự bất cập giữa đào tạo và việc làm dẫn đến tư tưởng xem nhẹ việc học tập trong một số phụ huynh và học sinh...
Năm học 2021-2022, số cán bộ, giáo viên và nhân viên giảm 3 người, số học sinh cơ bản ổn định. Nhà trường có diện tích khuôn viên trên 12,7 nghìn m2, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học (20 phòng học, đủ học 1 ca; 5 phòng làm việc; 6 phòng thực hành bộ môn, thư viện đạt chuẩn...). Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu, trang thiết bị chưa đồng bộ; sân chơi, bãi tập còn phải mượn; nhà tập đa năng nhỏ nên khó khăn trong tổ chức dạy học thể dục, giáo dục quốc phòng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Nhiều hạng mục cơ sở vật chất đã cũ và xuống cấp nhiều, khu hiệu bộ chật chội… Trong lúc, kinh phí nhà trường eo hẹp, các nguồn thu đóng góp bị hạn chế. Hiện trường còn thiếu phòng học hoạt động phụ đạo nên phải mượn các phòng chức năng. Căn cứ Thông tư 13/2020 của Bộ GDĐT, cơ sở vật chất và thiết bị chưa đảm bảo quy định để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường THCS&THPT Xuân Trường kiến nghị quy hoạch và cấp khu đất sân bóng theo hình thức đổi mấy phòng học nhằm xây dựng phòng học, phòng bộ môn là phù hợp. 
 
•  CÒN HỌC SINH CHƯA ĐẾN TRƯỜNG HỌC TRỰC TIẾP 
 
Là “trường bước đệm” nên giáo viên thường xuyên biến động, nhiều giáo viên ở nhà xa, do đó, nhu cầu nhà ở công vụ rất lớn. Vừa rồi, Công đoàn ngành Giáo dục đã kêu gọi các công đoàn trường bạn ủng hộ xây thêm 3 phòng ở giáo viên, khắc phục được tình trạng giáo viên phải đi thuê trọ bên ngoài. Hiện khu tập thể có 22 giáo viên và trên 10 trẻ là con của giáo viên. Khu vực khu tập thể này phía sau ta luy không được xây; đặc biệt, phía trước bị nước mưa xói mạnh, sạt lở đất ngày càng lớn. Nhà trường đã làm văn bản báo cáo đến chính quyền địa phương.
 
Có mặt tại trường tuần đầu tiên thực hiện tổ chức dạy học trực tiếp sau nhiều tuần dạy học trực tuyến, Hiệu trưởng Đỗ Xuân Hùng cho chúng tôi biết: Nhà trường đã triển khai các điều kiện, giải pháp để tổ chức thực hiện năm học mới; trong đó, học trực tuyến, ngoài phương pháp thích hợp của giáo viên, những học sinh khó khăn được trường kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ hoặc tạo học nhóm... Tuy nhiên, khi thực hiện dạy học trực tiếp, một số phụ huynh chưa cho học sinh đến trường học vì tâm lý lo lắng dịch COVID-19. Thầy Đỗ Xuân Hùng nói: “Nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện và biện pháp để tổ chức cho các em đến học theo quy định của ngành giáo dục và ngành y tế, song nguyện vọng của phụ huynh thì trường phải chấp nhận. Các giáo viên tư vấn, động viên nhưng học sinh vẫn không đến trường, đành gửi bài và giới thiệu các kênh truyền hình tham khảo. Dĩ nhiên khó khăn là học sinh không được giáo viên hướng dẫn học trực tiếp, việc tổ chức kiểm tra định kỳ trường cố gắng linh hoạt theo quy định của ngành để đảm bảo quyền lợi cho các em”. 
 
MINH ĐẠO