Sáng 16/11: Gần 865.000 ca COVID-19 đã khỏi; Rà soát giảm phí, lệ phí, tháo gỡ khó khăn cho người chịu ảnh hưởng dịch bệnh.
|
Gần 865.000 ca COVID-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi |
Gần 865.000 ca COVID-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi; TP HCM đang điều trị tại nhà khoảng 47.000 F0; Văn phòng Chính phủ dề nghị các bộ, ngành rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; F0 trong cộng đồng ở nhiều tỉnh chưa "hạ nhiệt".
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.035.138 ca mắc COVID-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.506 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.030.096 ca, trong đó có 861.699 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (448.593), Bình Dương (244.113), Đồng Nai (78.631), Long An (36.672), Tiền Giang (21.280).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 864.516
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.950 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.718; Thở ô xy dòng cao HFNC: 739; Thở máy không xâm lấn: 112; Thở máy xâm lấn: 368; ECMO: 13
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình ghi nhận trong 07 ngày qua: 84 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.183 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.186.178 mẫu cho 64.476.029 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 99.751.224 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.467.940 liều, tiêm mũi 2 là 35.283.284 liều.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 357.135 trường hợp mắc COVID-19 và 4.561 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 254,4 triệu ca, trong đó trên 5,1 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 254.445.107 ca, trong đó có 5.120.359 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 231 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 77.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 15/11, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 93 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Vùng dịch "nóng nhất" nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 39.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 784.500 ca tử vong trong tổng số 47,99 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 463.600 ca tử vong trong số 34,44 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 611.300 ca tử vong trong số 21,95 triệu ca mắc.
|
Rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8374/VPCP-KTTH gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ yêu cầu rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 12312/BTC-CST ngày 27/10/2021 của Bộ Tài chính và công văn số 12698/BTC-BTC ngày 5/11/2021 về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
Đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút ngọn theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các Thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ theo đề xuất của Bộ Tài chính tại các văn bản nêu trên và ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp tại văn bản số 4056/BTP-DSKT ngày 3/11/2021.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quuyền và quy định của pháp luật để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.
TP HCM: Có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà
Chiều 15/11, UBND TP HCM đã công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố ở cấp độ 2, giữ nguyên như 3 tuần trước. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số quận, huyện "vùng xanh" đã giảm và số địa phương "vùng vàng" lại tăng.
Hiện thành phố đang điều trị cho 12.179 bệnh nhân; trong đó có 646 trẻ em dưới 16 tuổi, 258 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết, số lượng F0 tăng hầu hết ở các quận, huyện vùng ven như Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp và thành phố Thủ Đức. Số F0 này đa số là công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp sinh sống tại các địa phương trên.
Theo thống kê, hiện TP HCM có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà, chiếm tỷ lệ 73% trên tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, dù số ca bệnh tại một số địa phương có xu hướng tăng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát của thành phố. Thành phố luôn quán triệt quan điểm của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là bao giờ cũng phải chuẩn bị trước một bước và trên một mức để chủ động trước các tình huống.
Tùy theo tình hình dịch bệnh, ngành y tế sẽ duy trì hoặc thành lập các trạm y tế lưu động mới ở các phường, xã và quận, huyện. Số trạm y tế lưu động này được thành lập phải tương xứng với số ca F0 cần chăm sóc ở quận, huyện đó. Đến nay, ngành y tế cũng đã tăng cường 70 trạm y tế lưu động cho các quận, huyện có số F0 tăng
Ca COVID-19 trong cộng đồng tại nhiều tỉnh miền Tây không giảm
Tại Sóc Trăng, có 376 ca mắc COVID-19, trong đó số ca nhiễm qua truy vết, sàng lọc trong cộng đồng là 146 ca. Đến hết ngày 15/11, tỉnh này ghi nhận 9.895 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh có 6.717 ca khỏi
Tại Đồng Tháp, ghi nhận ghi nhận 383 ca mắc mới, trong đó về từ vùng dịch 10 ca, 137 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 2 ca trong cơ sở điều trị, 172 ca trong khu phong tỏa, 62 ca trong cộng đồng. Tính đến ngày 15/11, toàn tỉnh ghi nhận 13.425 trường hợp mắc COVID-19. Đến nay, Đồng Tháp có 231 ca tử vong vì dịch COVID-19, chiếm tỉ lệ 1,72%.
Tại TP Cần Thơ, ghi nhận 390 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó 39 ca trong khu cách ly, số cách ly tại nhà 165 và 186 ca cộng đồng. Tính đến nay TP Cần Thơ có 12.902 ca mắc COVID, đã điều trị khỏi 7.902 ca, số trường hợp tử vong là 129 ca, đa số là các trường hợp trên 50 tuổi, có bệnh lý nền.
Bạc Liêu có 298 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đó có 160 ca cộng đồng.
Vĩnh Long ghi nhận 289 ca, trong đó 78 trường hợp cộng đồng, 11 tại khu phong tỏa, 187 trường hợp là F1 được cách ly tập trung trước đó trở thành F0 và 13 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế.
Cà Mau thêm 215 ca mắc COVID-19, trong đó 5 trường hợp từ vùng dịch, 52 trường hợp ghi nhận khi đang cách ly; 53 trường hợp trong khu phong tỏa và 105 ca cộng đồng.
Trà Vinh ghi nhận 179 ca mắc mới COVID-19, trong đó 121 ca trong cộng đồng, 19 ca tại cơ sở y tế, 18 ca trong khu cách ly tập trung, 13 ca là người ngoài tỉnh về địa phương và 8 ca trong khu phong tỏa.
Tiền Giang ghi nhận 500 F0, trong đó 71 ca cộng đồng, 414 trong khu cách ly và 15 ca khu phong tỏa. Hiện địa phương này đã ghi nhận 21.280 F0, đã điều trị khỏi 16.310 ca, tử vong 445 ca.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, F0 tăng cao, chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm 5K. Đồng thời, ngành chức năng các tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
(Theo Suckhoedoisong.vn)