Sáng tạo không đợi tuổi

04:11, 11/11/2021

Trong số những giải pháp đoạt giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 17 - 2021 có nhiều giải pháp hữu ích mang giá trị ứng dụng thực tiễn cao...

Trong số những giải pháp đoạt giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 17 - 2021 có nhiều giải pháp hữu ích mang giá trị ứng dụng thực tiễn cao của những học sinh mới 14 - 15 tuổi. Không ít sản phẩm của các em giải quyết những vấn đề lớn lao do cuộc sống đặt ra đang là nỗi trăn trở của người lớn.
 
Trao giải Nhất cho các tác giả
Trao giải Nhất cho các tác giả
 
•  HỆ THỐNG CẢNH BÁO BẢO VỆ RỪNG CỦA HỌC SINH LỚP 9
 
Với mong muốn bảo vệ rừng - lá phổi xanh của con người đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn, bức hại, hai em Nguyễn Lê Quang Trực (lớp 9A1) và Nguyễn Đức Bảo Lâm (lớp 9A2), Trường THCS & THPT Đống Đa (Đà Lạt) đã sáng tạo ra hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng. Giải pháp của các em nhằm giúp cho lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng, giám sát theo dõi hiện trạng của rừng, hạn chế nạn cháy rừng, chặt phá rừng.
 
Hệ thống cảnh báo có thể đo nhiệt độ, độ ẩm, gửi dữ liệu lên tài khoản facebook của người quản lý và tạo biểu đồ kèm theo đánh giá trên web để dễ dàng giám sát; cảnh báo kịp thời và gửi tin nhắn lên facebook người dùng, thông báo lên web giám sát khi có nguy hiểm trong khu vực rừng giám sát như: xuất hiện người xâm nhập trái phép, phát hiện cháy rừng, nhận dạng tiếng máy cưa, tiếng động lạ trong rừng, nhận dạng khói khi có cháy rừng. Đặc biệt, hệ thống này có khả năng chụp ảnh khi có nguy hiểm và gửi lên facebook, gmail, lưu lại ảnh trên web để xem lại khi cần; ảnh chụp sẽ có ích trong việc nhận dạng để bắt giữ lâm tặc khi có phá rừng. Các thiết bị được đánh dấu vị trí trên bản đồ giúp người dùng xác định được vị trí xảy ra bất thường sớm nhất, được hướng dẫn đường đi đến vị trí có nguy hiểm để có những biện pháp khắc phục sớm.
 
Đến nay, chưa có sản phẩm nào có tính năng tương tự được ứng dụng để bảo vệ rừng tại địa phương. Điểm mới còn là, sản phẩm nhỏ gọn, phù hợp khi đặt hệ thống trong rừng; dễ dàng sử dụng; hoạt động tự động không tốn nhân công vận hành. Người sử dụng có thể giám sát bất cứ đâu, truy cập bằng nhiều phương pháp (facebook, website, gmail). Giải pháp đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận dạng ảnh, nhận dạng âm thanh; dự đoán biết có người vào rừng, cháy rừng, tiếng cưa máy, tiếng động lạ. Sử dụng mạng LORA trong việc truyền nhận dữ liệu giữa các trạm thay vì phải sử dụng mạng Internet, mạch được cấu hình với địa chỉ riêng, tần số hoạt động riêng được quy định sẵn, truyền gửi dữ liệu nhanh, chính xác, khoảng cách xa, thiết bị nhỏ gọn, ngụy trang tốt, hoạt động tốt, tiến trình nhận dạng ảnh, âm thanh, tốc độ gửi cao. Hệ thống còn có chức năng tự kiểm tra thiết bị, trong một thời gian thiết bị trong rừng không có phản hồi, hệ thống tự hiểu thiết bị đã xảy ra vấn đề và cảnh báo người dùng; đồng thời, khi không kết nối được web tại trụ sở, màn hình tại trụ sở sẽ hiện thông báo.
 
Giải pháp của các em đã được thực nghiệm 1 năm tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và được các cán bộ kiểm lâm, lãnh đạo Vườn đánh giá cao về giá trị ứng dụng trong công tác bảo vệ rừng.
 
•  SẢN XUẤT GỖ ÉP MFS TỪ VỎ HẠT MẮC CA 
 
Do nhu cầu sử dụng gỗ của con người ngày một tăng khiến gỗ thiên nhiên không đủ cung ứng. Việc dùng gỗ ép đang là một trong những xu hướng trang trí hiện đại, bền, đẹp, rẻ được nhiều người lựa chọn. Với mong muốn làm giảm sức ép lên rừng, hạn chế việc khai thác gỗ rừng, hai em Trần Đại Nghĩa (lớp 10A1) và Nguyễn Thị Anh Thư (lớp 10A1), Trường THPT Lê Hồng Phong (Di Linh) đã sáng tạo giải pháp sản xuất gỗ ép MFS từ vỏ hạt mắc ca. 
 
Những năm gần đây, cây mắc ca được trồng nhiều ở Lâm Đồng lấy hạt làm thực phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Phần vỏ hạt rất cứng là phế phẩm chưa ai nghĩ đến việc tận dụng vào việc gì. Hai em đã nghĩ ra việc sản xuất gỗ từ nguồn vật liệu xanh này sẽ giảm chi phí giá thành gỗ ép, tạo ra các vật dụng thân thiện với môi trường phục vụ cho đời sống con người. Qua đó, vừa tận dụng được nguồn vỏ hạt mắc ca bỏ đi của các cơ sở sản xuất và chế biết trên địa bàn tỉnh, vừa xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hạn chế việc khai thác tài nguyên rừng.
 
Hai em đã tiến hành tìm hiểu về đặc điểm thực vật của cây mắc ca, thành phần, cấu tạo của quả mắc ca và vỏ hạt mắc ca; tìm hiểu kiến thức khoa học, kỹ thuật sản xuất ván gỗ ép; tìm hiểu các loại gỗ ép đang có trên thị trường; các loại máy nghiền nguyên liệu cứng và máy ép, quy trình sản xuất gỗ ván ép; tìm hiểu các chỉ tiêu đánh giá chất lượng ván gỗ ép theo tiêu chuẩn Việt Nam; thu gom vỏ mắc ca từ các cơ sở sản xuất mắc ca ở Di Linh. Sau đó bắt tay vào việc nghiền vỏ hạt mắc ca đến độ thích hợp, đem hấp; trộn keo với bột vỏ đã nghiền theo tỷ lệ thích hợp; đem ép và sấy khô; phết dầu bóng, tạo vân gỗ. Thử nghiệm và kiểm tra các tính năng của gỗ ép như: chịu ẩm, chịu nhiệt, chịu lực, độ bền dựa trên tiêu chuẩn về ván gỗ nhân tạo TCVN 11205:2015; làm các vật dụng, bàn ghế, đồ nội thất sử dụng gỗ ép thành phẩm. Qua đó cho thấy, so với gỗ ép thông thường, gỗ ép từ vỏ mắc ca có ưu điểm vượt trội như: không có sự trương nở, độ bền liên kết cao, độ bền uốn cao, không rạn nứt, ít cong vênh, co ngót, biến dạng, sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí, giá thành thấp, có thể sản xuất đồng loạt theo kích thước tiêu chuẩn.
 
Với những ưu điểm vượt trội, giải pháp của các em có giá trị ứng dụng thực tiễn. Giải pháp sáng tạo của các em còn khuyến khích người dân trồng, sản xuất mắc ca, đưa cây mắc ca trở thành cây trồng chủ lực ở Lâm Đồng, vừa tạo nguồn thực phẩm bổ dưỡng lại vừa tận dụng phế phẩm làm gỗ ép, mang lại hiệu quả kinh tế. 
 
Hai đề tài của các nhà sáng chế nhỏ tuổi là một trong các giải pháp đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 17 - 2021.
 
QUỲNH UYỂN