Truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên cho lớp trẻ bản địa ấy là cách để những người trẻ có thêm điều kiện tiếp cận, qua đó hun đúc tình yêu của mình đối với loại hình văn hóa cồng chiêng.
Truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên cho lớp trẻ bản địa ấy là cách để những người trẻ có thêm điều kiện tiếp cận, qua đó hun đúc tình yêu của mình đối với loại hình văn hóa cồng chiêng.
|
Các đội cồng chiêng trong trường học luôn phát huy được vai trò của mình trong các hoạt động văn nghệ tại địa phương |
Một lần trao đổi, ông Nguyễn Ry, cựu Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú - Trung học cơ sở Bảo Lâm, chia sẻ rằng phần đa các em học sinh theo học tại đây đều có năng khiếu về âm nhạc cồng chiêng, múa xoang. Những kiến thức, kỹ thuật của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này, các em tiếp thu rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn tập luyện, các em học sinh đã có thể diễn tấu thành thục 4-5 bài chiêng truyền thống, cũng như múa nhuần nhuyễn các điệu xoang thường sử dụng trong các dịp lễ hội. “Vì có sẵn năng khiếu nên việc học diễn tấu cồng chiêng và múa xoang của các em rất dễ dàng”, ông Nguyễn Ry cho biết.
Cũng phải thôi, từ bao đời nay, tiếng cồng chiêng đã là nhịp đập con tim, điệu múa xoang đã là hơi thở cuộc sống của cư dân bản địa Tây Nguyên, những giá trị văn hóa truyền thống ấy, không dễ gì bị lấn át bởi các loại hình nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, nó cần được tiếp lửa bằng những chính sách, giải pháp phù hợp từ phía Nhà nước và từ chính những nghệ nhân giàu nhiệt huyết với di sản văn hóa dân tộc mình, qua việc mở lớp cồng chiêng để nghệ nhân truyền dạy cách tấu chiêng, múa xoang cho những người trẻ bản địa. Chỉ khi đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận, nỗi lo mai một văn hóa truyền thống sẽ không còn nữa. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm gần đây, các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Bảo Lâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người thiểu số gốc Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang. “Thời gian qua, cùng với việc hỗ trợ các xã, thị trấn mua sắm và sưu tầm các bộ cồng chiêng Tây Nguyên, Bảo Lâm còn đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng Tây Nguyên, cũng như mời nghệ nhân mở các lớp truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng trong những nghi lễ và lễ hội truyền thống cho những người trẻ bản địa. Bên cạnh đó, Bảo Lâm cũng đặc biệt chú trọng đến việc mở các lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên cho học sinh trong các trường học trên địa bàn”, ông Mai Việt Khoa, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, cho biết.
Theo ông Khoa, trong những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm phối hợp với các địa phương đã tổ chức được 20 lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho khoảng 400 người. Hiện tại, các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Tân, Lộc An và xã Lộc Thành vẫn duy trì hoạt động các câu lạc bộ cồng chiêng Tây Nguyên. Các câu lạc bộ cồng chiêng Tây Nguyên này là những hạt nhân chính trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương và là thành viên chính tích cực tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng do huyện Bảo Lâm tổ chức. Ngoài ra, các câu lạc bộ cồng chiêng Tây Nguyên trong các trường học như Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Phan Chu Trinh, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú - Trung học cơ sở Bảo Lâm cũng thường xuyên luyện tập, tham gia các hoạt động văn nghệ tại trường và tham gia các lễ hội tại địa phương.
Qua các hoạt động truyền dạy, duy trì tập luyện cồng chiêng, tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong giới trẻ bản địa sẽ được nâng cao. Từ đó, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong công tác bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống của cha ông.
TRIỀU KA