Việc đổi mới công tác cán bộ, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả tích cực, khắc phục được những hạn chế, bất cập.
Việc đổi mới công tác cán bộ, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả tích cực, khắc phục được những hạn chế, bất cập.
|
Tiếp dân tại bộ phận một cửa UBND huyện Cát Tiên |
Thực hiện Nghị quyết số 39 của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 139-KH/TU, ngày 8/9/2015 về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; đồng thời chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng đề án, kế hoạch, xác định lộ trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-UBND, ngày 3/3/2016 và Quyết định số 2384/QĐ-UBND, ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án tinh giản biên chế.
Ngoài việc ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, trong đó có nội dung công tác cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với kiểm tra việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2015 đến tháng 6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra 2 cuộc; Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương kiểm tra, giám sát 108 cuộc gắn với kiểm tra về nhân sự đại hội Đảng các cấp. Qua kiểm tra, giám sát, cơ bản các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc triển khai và tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng quy định, với tinh thần trách nhiệm cao.
Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, ở khối Đảng, đoàn thể tỉnh, sau khi sắp xếp đã giảm được 36 đơn vị trực thuộc từ 80 xuống còn 44; giảm 85 đồng chí lãnh đạo cấp phòng và tương đương, trong đó có 37 trưởng và 48 phó phòng, ban và tương đương. Tỉnh cũng đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng sáp nhập vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và từng bước đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả. Các sở, ngành và đơn vị trực thuộc UBND, HĐND tỉnh, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đã giảm 1 đơn vị cấp sở là Sở Ngoại vụ và 78 đơn vị cấp phòng. Giảm 45 đơn vị trực thuộc UBND, HĐND cấp huyện, trong đó các đơn vị sự nghiệp giảm 36 đơn vị.
Việc hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực được Ban Thường vụ cấp ủy các cấp chỉ đạo thực hiện gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII. Từng bước đẩy mạnh xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp chuyển sang hoạt động theo loại hình tự bảo đảm một phần và tự bảo đảm chi thường xuyên, thay thế trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp là 20 đơn vị; số đơn vị tự chủ bảo đảm chi thường xuyên trên 50% là 23 đơn vị; số đơn vị tự chủ bảo đảm chi thường xuyên 100% là 34 đơn vị.
Theo số liệu thống kê, tổng số biên chế thực tế ở cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương là 1.039 người; giảm so với số thực tế tại thời điểm 30/4/2015 là 256 người, giảm so với số biên chế được giao năm 2015 là 1.382 người, đạt tỷ lệ 17,5%. Tổng số biên chế được giao năm 2021 ở các cơ quan Nhà nước là 2.502 biên chế, giảm 282 biên chế so với biên chế được giao năm 2015, tỷ lệ tinh giản 10% theo quy định.
Đối với khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án vị trí việc làm, xác định tỷ lệ tinh giản từ 12-14%. Hiện nay đã giảm 180/1.382 biên chế, tương ứng 13,02%. Đối với khối chính quyền, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2384/QĐ-UBND, ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án tinh giản biên chế, giai đoạn 2018 - 2021 của tỉnh, trong đó xác định lộ trình cắt giảm biên chế công chức, số lượng người làm việc từng năm, đảm bảo đến năm 2021 cắt giảm ít nhất tỷ lệ 10%. Hiện nay đã thực hiện cắt giảm 282/2.820 biên chế công chức, tỷ lệ 10%, cắt giảm 2.925/29.247 người làm việc, tỷ lệ 10%. Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế, việc quản lý, sử dụng biên chế cán bộ, công chức, viên chức ở Lâm Đồng đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ.
Những năm qua, tỉnh thực hiện khá nghiêm túc việc giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong tổng số được giao và hàng năm thực hiện tinh giản biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đối với số biên chế được giao cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế chiếm 94,4% trên tổng số biên chế, nên việc cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp, giai đoạn 2015-2021 phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy của ngành giáo dục và chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh của ngành y tế hiện nay.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã phê duyệt 148 vị trí việc làm đối với khối Đảng, đoàn thể. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, cơ cấu lại các phòng chuyên môn cho phù hợp với vị trí việc làm, từ đó làm cơ sở để các đơn vị sử dụng biên chế một cách hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay 100% cơ quan, đơn vị đã xây dựng Đề án vị trí việc làm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức cũng được chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng kế hoạch và thực hiện theo đúng thẩm quyền phân cấp, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức 4 kỳ thi tuyển công chức, trong đó khối Đảng 2 kỳ, khối chính quyền 2 kỳ, quyết định tuyển dụng 536 công chức, viên chức, trong đó khối Đảng, đoàn thể 120 công chức, viên chức; khối chính quyền 416 công chức. Tuyển dụng công chức không qua thi tuyển 134 công chức. Đối với việc tuyển dụng viên chức theo phân cấp của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc tuyển dụng 5.625 viên chức.
Trên cơ sở vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, đơn vị cũng thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đa số cán bộ được phân công đảm nhiệm các chức danh theo Đề án được đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức. Về cơ cấu theo giới tính, dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng Đề án, trong công tác quy hoạch cán bộ; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lý ngày càng nhiều; tỷ lệ nữ trúng cử vào cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ngày càng tăng. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới của tỉnh.
Từ năm 2015 đến tháng 6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến và bổ nhiệm 100 trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp; trong đó khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh 22 trường hợp; Khối chính quyền cấp tỉnh 78 trường hợp (giám đốc, phó giám đốc và trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh). Công tác bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học, dân chủ, phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể để lựa chọn cán bộ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức tốt, gương mẫu, trình độ, năng lực và không có các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến công tác bổ nhiệm cán bộ.
Có thể nói rằng, những chuyển biến đáng kể trên chính là kết quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng và sự nghiêm túc vào cuộc của địa phương, cơ quan, đơn vị cùng với việc chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nên việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Trung ương ở Lâm Đồng đã từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm khách quan, công khai, chặt chẽ.
NGUYỄN NGHĨA