Xã hội hóa giáo dục ở trường vùng sâu

05:11, 09/11/2021

Trường Mầm non Đưng K'Nớ là ngôi trường đóng chân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Dương...

Trường Mầm non Đưng K’Nớ là ngôi trường đóng chân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, thu hút trẻ đến trường và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Trường Mầm non Đưng K’Nớ ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ
Trường Mầm non Đưng K’Nớ ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ
 
•  XÂY DỰNG TRƯỜNG VÙNG SÂU KHANG TRANG
 
Về Trường Mầm non Đưng K’Nớ hôm nay, sự đổi thay về bộ mặt của một ngôi trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn hiện rõ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời… không khác gì những trường ở vùng trung tâm. Với hơn 90% trẻ dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của nhà trường năm học 2021 - 2022 này đạt 100%. Có được kết quả đó là sự nỗ lực của nhà trường nói chung và riêng cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nông trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất, tạo môi trường giáo dục toàn diện cho trẻ, giúp phụ huynh yên tâm cho con đến lớp.
 
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nông kể, Trường Mầm non xã Đưng K’Nớ được thành lập năm 2005. Những ngày đầu mới thành lập, nhà trường chỉ có 8 cán bộ, giáo viên với 3 lớp học và 87 trẻ mẫu giáo. Khi đó cơ sở vật chất của nhà trường khá đơn sơ với 3 phòng học được xây cấp 4. Với đặc thù là một xã đặc biệt khó khăn, đời sống Nhân dân còn nghèo nàn nên công tác huy động các nguồn lực tại địa phương hầu như không có. Trước khó khăn đó, nhà trường đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Dù đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhưng do nguồn ngân sách hạn hẹp, nguồn lực của địa phương hạn chế nên cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ cũng như nhu cầu phát triển giáo dục mầm non ngày càng tăng.
 
“Trước tình hình thực tế đó, tôi suy nghĩ mình không thể cứ trông chờ vào nguồn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước mà cần phải chủ động huy động sự vào cuộc của toàn xã hội để cải tạo, nâng cấp điều kiện về cơ sở vật chất nhằm tạo môi trường giáo dục tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, trường đạt chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Vì vậy bản thân tôi và tập thể nhà trường đã đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa để cơ sở vật chất trong trường ngày càng được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt hơn”, cô Nông chia sẻ.
 
Từ sự huy động nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân và công ty đóng chân trên địa bàn, Trường Mầm non Đưng K’Nớ đã được tài trợ xây thêm phòng học, bếp ăn, phòng hành chính, khu hiệu bộ, khu vui chơi vận động, nhà xe, một số trang thiết bị, hỗ trợ gạo và áo ấm cho trẻ… Bộ mặt trường lớp đã khang trang, sạch đẹp, luôn là đơn vị dẫn đầu về các phong trào thi đua do địa phương tổ chức. 
 
Cùng với các nội dung trên, các điểm trường Đưng Trang, Lán Tranh tiếp tục được tham mưu xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất. Từ một trường với bộn bề những khó khăn, tháng 6/2020 Trường Mầm non Đưng K’Nớ đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng đạt mức 2 và đến nay luôn duy trì bền vững.
 
•  NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ
 
Cô Nông cho hay, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục toàn diện cho trẻ của Trường Mầm non Đưng K’Nớ cũng ngày càng được nâng lên. Đến nay, nhà trường đã có 8 nhóm lớp với 27 cán bộ, giáo viên, công nhân viên ở 3 điểm trường với tổng 231 trẻ. Các phòng học kiên cố, môi trường xanh - sạch - đẹp và đủ đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
 
Cùng với đó, nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học tích cực theo yêu cầu mới là lấy trẻ làm trung tâm nhằm khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo cho trẻ. Trong năm học, nhà trường đã đề ra được các biện pháp để triển khai thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ, có 8/8 nhóm lớp được tổ chức bán trú, đạt 100%. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số với nhiều hình thức như thông qua hoạt động mọi lúc, mọi nơi, 100% trẻ dân tộc thiểu số đã có kỹ năng nghe, nói tiếng Việt thành thạo, trẻ 5 tuổi đã có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt. 
 
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng những nỗ lực trong công tác huy động xã hội hóa nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trường Mầm non Đưng K’Nớ đã nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, tạo được niềm tin trong phụ huynh, đồng nghiệp và dần khẳng định thương hiệu của ngôi trường mầm non vùng sâu. 
 
TUẤN HƯƠNG