Những năm qua, công tác bảo tồn, bảo tàng được quan tâm, bên cạnh Bảo tàng Lâm Đồng do ngành văn hóa quản lý, các bảo tàng tư nhân hoạt động có hiệu quả đã góp phần quảng bá lịch sử - văn hóa, bảo tồn, lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá vốn là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Lâm Đồng.
Những năm qua, công tác bảo tồn, bảo tàng được quan tâm, bên cạnh Bảo tàng Lâm Đồng do ngành văn hóa quản lý, các bảo tàng tư nhân hoạt động có hiệu quả đã góp phần quảng bá lịch sử - văn hóa, bảo tồn, lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá vốn là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Lâm Đồng.
|
Giới thiệu nghề gốm truyền thống Chu Ru ở Ka Đơn |
•
BẢO TÀNG TƯ NHÂN HẤP DẪN DU KHÁCH
Nằm khuất sâu giữa miền quê yên tĩnh, nhưng 7 năm qua Nhà thờ Ka Đơn (Đơn Dương) có sức hút mạnh mẽ với du khách không chỉ bởi vẻ đẹp kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ của đồng bào Chu Ru bản địa. Hơn 1.000 hiện vật đa dạng, phong phú gắn liền với đời sống của cư dân nơi đây từ ngàn xưa nhưng do sự phát triển đang dần bồi lấp đi như dụng cụ lao động nông nghiệp, săn bắt, hái lượm, ăn uống ẩm thực, nhạc cụ, lễ hội truyền thống... được sắp đặt trưng bày trong không gian rộng 1.500 m2. Tất cả các vật dụng đan lát, gọt đẽo được làm từ tre, nứa, gỗ, đá, sừng trâu, gốm được tạo tác công phu tỉ mỉ bằng đôi tay khéo léo điêu luyện của các nghệ nhân. Tham quan bảo tàng, du khách mường tượng ra một quy trình sinh hoạt tự nhiên sống động của người Chu Ru xưa như họ ăn uống như thế nào, họ đi làm ra sao, canh tác bằng cách nào, sau thời gian lao động họ nghỉ ngơi, uống rượu, lễ hội, đàn hát ca múa ra sao.
Linh mục Trần Quốc Hưng Long, Chánh xứ Ka Đơn cho biết, ý tưởng về một bảo tàng văn hóa cho người Chu Ru được ấp ủ từ năm 1991, khi các linh mục về đây xây dựng giáo xứ. 4 vị linh mục nối tiếp nhau đã đi khắp các buôn gần làng xa quanh vùng, đến nơi quần tụ sinh sống từ lâu đời của đồng bào Chu Ru như: Rơlơm, Mađanh, Kađơn, Karái, Kađê, Karăngchớ, Karăngọ, Proh... để sưu tầm các cổ vật, kỷ vật. Ngoài các hiện vật đặc thù của người Chu Ru , điểm nhấn lớn nhất, độc đáo nhất của Bảo tàng là các sản phẩm gốm của làng nghề truyền thống Karăngọ (gọ: nồi - Karăngọ: làng làm nồi) với đa dạng sản phẩm mẫu mã. Gốm Chu Ru được tạo tác rất đặc biệt từ đất chứa nhiều cao lanh lấy trong núi về, phơi, giã, dần sàng, nhào với nước đến độ nhuyễn, mịn. Các nghệ nhân tạo dáng sản phẩm theo óc thẩm mỹ của riêng mình, không cái nào giống cái nào, vô cùng tinh tế, đa dạng kiểu dáng, cách điệu. Sản phẩm được nung trong rơm củi chất đống đốt lửa đến độ cứng nhất định, rồi qua quá trình sử dụng đun nấu gốm tiếp tục tăng độ rắn chắc bền. Tùy vào hình dạng của sản phẩm mà gốm Chu Ru khi gõ còn phát cung bậc thanh âm như những nhạc cụ. Đời sống phát triển thói quen sinh hoạt thay đổi, nghề gốm đang dần bị mai một, các linh mục chánh xứ đã tạo điều kiện cho các nghệ nhân phục hồi nghề gốm ở làng, thành sản phẩm du lịch giới thiệu và bán cho du khách. Bằng tình yêu, tâm huyết và trách nhiệm, 30 năm gom góp, Bảo tàng văn hóa Chu Ru đã phát huy vai trò xã hội và thẩm mỹ của nó đưa đến cho du khách tham quan, tìm hiểu nhiều điều thú vị.
Bảo tàng chóe Tây Nguyên (KDL Đồi Mộng Mơ, nay sáp nhập với Thung lũng Tình Yêu) cũng đang lưu giữ 193 chóe cổ độc đáo được sưu tầm từ các vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Bảo tàng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, đề tài trang trí và cả nguồn gốc, xuất xứ, các niên đại như: chóe Trung Hoa, chóe có nguồn gốc từ Indonesia, các sưu tập chóe Việt Nam ở đây chủ yếu có nguồn gốc từ các lò gốm Gò Sành (Bình Định), Mỹ Thiện - Châu Ổ (Quảng Ngãi) và Lái Thiêu (Bình Dương). Có nhiều loại chóe khác có xuất xứ từ những lò gốm khác nhau thuộc các miền Bắc -Trung - Nam của Việt Nam. Điển hình như chóe “Mẹ bồng con” có kiểu dáng khá đặc biệt: trên vai thường được gắn 1 - 2 hoặc 3 chóe con giống hệt chóe mẹ nhưng không trang trí, có niên đại vào khoảng thế kỷ XIX. Đây là loại chóe quý rất được đồng bào Tây Nguyên ưa chuộng. Có Bảo tàng chóe, KDL Thung lũng Tình Yêu thêm hấp dẫn du khách.
|
Các hiện vật văn hóa phong phú ở Bảo tàng văn hóa Chu Ru |
•
XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC BẢO TỒN, BẢO TÀNG
Thực hiện chủ trương tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nhằm thúc đẩy sự ra đời, phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân; đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có 4 bảo tàng ngoài công lập thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cho phép thành lập, hoạt động như: Bảo tàng Phúc Lâm với 100 hiện vật gồm đồ gốm sứ, đá thạch anh, các loại gỗ, tượng la hán…; Bảo tàng Linh Phước với 116 hiện vật Phật giáo, tượng sáp thiền sư, tượng điêu khắc nghệ thuật; Bảo tàng Đá Hoa Tài Ngọc Châu (Bảo Lộc) là không gian đa dạng của các loại đá quý, đá thiên nhiên...
Bên cạnh các bảo tàng tư nhân đang hoạt động thu hút khách tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa, Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Lâm Đồng ra đời vào ngày 12/12/2008 là nơi hội tụ những người yêu di sản văn hóa góp phần lưu giữ giá trị cổ vật, ngăn chặn sự “chảy máu” di sản. 42 hội viên của CLB đã sưu tầm lưu giữ đến gần 300 ngàn cổ vật, kỷ vật có giá trị về lịch sử và văn hóa. Với khát vọng lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá cổ truyền, các hội viên đã không ngừng hoạt động sưu tầm, bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua bổ sung hiện vật. Nhìn vào “gia tài” của họ, quá khứ như hiện diện qua hàng trăm bộ sưu tập từ cồng chiêng, mâm đồng, lư đồng, chén dĩa đến các vật dụng lao động sản xuất, đồng hồ, máy móc, vật dụng sinh hoạt của cư dân Tây Nguyên, cư dân Đà Lạt... đa dạng về kiểu dáng, chủng loại, phong phú về chất liệu. Các hội viên còn chủ động phối hợp cùng các khu, điểm du lịch trong tỉnh thực hiện trưng bày bộ sưu tập của mình phục vụ khách tham quan nhằm giới thiệu những tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam, làm lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc.
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng nhấn mạnh: Di sản văn hóa như là một sản phẩm du lịch đặc biệt cho du khách chiêm nghiệm, trải nghiệm một mảnh đất giàu hàm lượng văn hóa và hàm lượng du lịch như Lâm Đồng. Chúng tôi luôn nỗ lực huy động các nguồn lực, xã hội hóa công tác văn hóa, lấy văn hóa để nuôi lấy văn hóa thì mới bền vững, kết hợp cho được quản lý nhà nước với quản trị tư nhân, cùng với sự chung tay của cộng đồng, chắc chắn sản phẩm văn hóa độc đáo sẽ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa mang tính riêng có của xứ sở Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng - Đà Lạt. Trong đó, công tác bảo tồn, bảo tàng luôn rất cần sự chung tay của các cá nhân, tổ chức yêu di sản văn hóa dân tộc. Qua đó, vừa góp phần vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, vừa phát triển du lịch; làm cho du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng luôn là điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ vì thiên nhiên tươi đẹp mà vì chiều sâu văn hóa.
QUỲNH UYỂN