Bí ẩn từ di tích lò gạch ở Thánh địa Cát Tiên

05:12, 15/12/2021

Thấy rằng, việc xây dựng cả một quần thể kiến trúc đền tháp và mộ tháp đồ sộ như ở Thánh địa Cát Tiên sẽ tiêu tốn một khối lượng gạch rất lớn...

Thấy rằng, việc xây dựng cả một quần thể kiến trúc đền tháp và mộ tháp đồ sộ như ở Thánh địa Cát Tiên sẽ tiêu tốn một khối lượng gạch rất lớn. Thế là một giả thuyết được đưa ra rằng cổ dân nơi đây xếp những viên gạch mộc thành những ngôi tháp rồi nung nguyên cả ngọn tháp?
 
Thánh địa Cát Tiên hấp dẫn du khách
Thánh địa Cát Tiên hấp dẫn du khách
 
•  SỨC HẤP DẪN CỦA DI TÍCH KHẢO CỔ CÁT TIÊN
 
Sinh thời, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận định về Di tích khảo cổ Cát Tiên: “Di tích này có tính đứng giữa. Và nó là chính nó”. Tính đứng giữa mà Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nói đến, đó là vì “Thánh địa Cát Tiên có nhiều yếu tố bản địa độc đáo; đồng thời, có nhiều yếu tố bên ngoài từ phía Nam là Chân Lạp và phía Bắc là Chămpa. Giữa yếu tố hữu thể và vô thể có sự giao lưu từ nhiều phía, cả về phía núi và phía biển”. Quả nhiên, Thánh địa Cát Tiên có nhiều yếu tố Bà-la-môn giáo. Trong quá trình phát triển, văn hóa Cát Tiên còn gần gũi với văn hóa Chămpa ở Nam Trung Bộ và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ. Các yếu tố văn hóa vật chất khác bao gồm gạch, ngói và các loại đồ gốm bình, vò, vòi kendi... lại có ảnh hưởng văn hóa Chân Lạp. Các yếu tố văn hóa tinh thần như ngẫu tượng linga - yoni, hình ảnh các vị thần, các linh vật... thì có hơi hướng văn hóa Chămpa. Chính sự hỗn dung văn hóa đó, tăng thêm phần bí ẩn và sức hấp dẫn của Di tích khảo cổ Cát Tiên.
 
Cho đến nay, Thánh địa Cát Tiên vẫn còn tồn tại rất nhiều bí ẩn, thách thức giới khảo cổ tìm, giải mã những bí ẩn trên nhiều lĩnh vực như văn hóa học, sử học, dân tộc học, kiến trúc, phong cách nghệ thuật... Trong đó, chủ nhân thực sự của Di tích Cát Tiên là ai cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với giới nghiên cứu cổ sử trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
 
•  GIẢ THUYẾT VỀ CÁCH XÂY ĐỀN THÁP
 
Theo đánh giá của giới khảo cổ, Thánh địa Cát Tiên là một phát hiện lớn của ngành khảo cổ Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tư liệu khai quật khảo cổ tại đây cho thấy, văn hóa Cát Tiên có quá trình lịch sử phát triển khá dài: giai đoạn sớm khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VI và giai đoạn muộn từ thế kỷ VII đến X sau Công nguyên. Cũng qua khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã dần dần mở ra những bí mật về một vương quốc cổ. “Với những di vật tìm thấy, rất có thể Thánh địa Cát Tiên là thánh địa của người Chăm?”, Tiến sĩ khảo cổ học Đào Linh Côn, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học vùng Nam Bộ, nay là Viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, người có nhiều năm gắn bó với Di tích Cát Tiên, đưa ra giả thuyết.
 
Tuy vậy, vị tiến sĩ này cũng hết sức thận trọng, vì vẫn còn những điểm nghi vấn, chưa được làm rõ: “Nhưng một câu hỏi lại được đặt ra đó là sau khi hình thành nên vương quốc, người Chăm đi đâu? Có thể bị thiên tai, dịch bệnh hay chuyển đến một nơi khác? Câu hỏi vẫn bỏ ngỏ vì chưa tìm được những cứ liệu xác đáng để minh chứng cho sự kiện này, do đó còn phải mất nhiều thời gian nữa để tiếp tục nghiên cứu thêm”.
 
Trong khi các nhà khoa học khảo cổ đang tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những điểm nghi điểm về niên đại, ai là chủ nhân của nền văn hóa đặc sắc này, thì một giả thuyết về việc cổ dân Cát Tiên đã xây dựng những ngôi tháp cũng được đưa ra như sau: Theo giả thuyết, cổ dân Cát Tiên đã xếp chồng những viên gạch mộc thành những ngôi tháp, sau đó nung nguyên cả ngọn tháp cho đến khi gạch chín? Giả thuyết này đã bị phủ nhận hoàn toàn bởi những chứng cứ khoa học. Cụ thể, năm 2006, qua thám sát, các nhà khoa học khảo cổ phát hiện dấu vết của 4 lò gạch dùng để sản xuất gạch cho việc xây dựng các đền tháp và mộ tháp tại Thánh địa Cát Tiên, nằm trong một cánh đồng rộng (người dân địa phương gọi là cánh đồng Bảy Mẫu), ở tọa độ 11032' 08" kinh độ Đông và 107023' 27" vĩ độ Bắc. Sau đó, các nhà khoa học lấy mẫu từ những viên gạch còn vương vãi ở cánh đồng Bảy Mẫu đem đi phân tích phóng xạ carbone C14. Qua phân tích, kết quả thu được hoàn toàn trùng khớp với niên đại của gạch dùng để xây dựng các kiến trúc đền tháp tại Di tích Cát Tiên. Điều này chứng minh rằng, Thánh địa Cát Tiên mang tính bản địa, đồng thời khẳng định trình độ phát triển nhất định của chủ nhân Di tích Cát Tiên, cũng như phương thức xây dựng các ngôi đền tháp nơi đây.
 
TRIỀU KA