Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng, thiết thực

06:12, 13/12/2021

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức về vị thế, tầm quan trọng của văn hóa. Người khẳng định: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"...

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức về vị thế, tầm quan trọng của văn hóa. Người khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ năm 1943, Đảng ta đã có “Đề cương văn hóa”; xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ lịch sử, đều đề cập đến văn hóa và phát triển văn hóa. Văn hóa được xem là thế “kiềng ba chân” trong toàn bộ sự phát triển: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”.
 
Nghệ nhân Ma Bio ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân (Đơn Dương) truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Quỳnh Uyển
Nghệ nhân Ma Bio ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân (Đơn Dương) truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Quỳnh Uyển
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
 
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nhấn mạnh quan điểm:“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và đề ra 6 nhiệm vụ quan trọng; trong đó, có nhiệm vụ: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”; chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là sự phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đề cao văn hóa. Bác nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
 
Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (khóa IX) về kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò to lớn, “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh của văn hóa là cội rễ để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn thịnh: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
 
Từ các nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng các chính sách, chiến lược như: “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”; “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai “Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam” và mới đây là “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”...
 
Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, sự “vào cuộc” của Chính phủ đã tạo chuyển biến đáng kể trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các địa phương về đầu tư cho văn hóa, phát triển văn hóa. Qua đó, các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển văn hóa đã được triển khai. Cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho Nhân dân được đầu tư xây dựng; hệ thống các lễ hội văn hóa được duy trì tổ chức sôi nổi; nhất là các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một, được Chính phủ chỉ đạo và đầu tư kinh phí phục dựng, tổ chức hoạt động hằng năm, tạo “sân chơi” văn hóa cho Nhân dân; qua đó, tăng cường tinh thần đoàn kết các dân tộc, tính cố kết cộng đồng được nâng lên...
 
Lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) những năm qua cũng được quan tâm, thông qua thực hiện “Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT” của Chính phủ, hằng năm cấp kinh phí để văn nghệ sĩ (VNS) sáng tác, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, công trình VHNT, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ VHNT ngày càng cao của Nhân dân. Qua đó, VHNT thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, phục vụ sự nghiệp chính trị của đất nước, địa phương. Hội VHNT từ Trung ương đến địa phương hằng năm duy trì tổ chức các hoạt động tôn vinh các lĩnh vực sáng tạo VHNT như: Ngày Thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng), Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3); Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 ÂL), Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9)...
 
Có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong tiến trình phát triển. 35 năm đổi mới đất nước, sự nghiệp văn hóa và VHNT nước ta đạt những thành tựu quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa và đầu tư phát triển văn hóa (trong đó có VHNT) của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương không ít nơi chưa tương thích, thậm chí có nơi còn xem nhẹ! VHNT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển đất nước đang đặt ra; chưa có nhiều công trình văn hóa, tác phẩm VHNT có giá trị cao; chế độ nhuận bút tác phẩm còn thấp, đời sống của VNS còn nhiều khó khăn...
 
Để phát triển văn hóa tương xứng với vai trò, vị thế của nó, theo tôi, thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản:
 
Một là, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động phát triển văn hóa và VHNT bài bản, có lộ trình và hiệu quả. Muốn làm được vấn đề này, các cấp ủy đảng cần thay đổi nhận thức, tư duy, phải thực sự coi trọng văn hóa; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển; phải đặt phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế; lấy văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
 
Hai là, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình phát triển văn hóa. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỉ đạo các ngành liên quan xem xét, thẩm định để đề xuất công nhận các danh hiệu Nhà nước (Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân và các hình thức khen thưởng Nhà nước...) chặt chẽ, khách quan, đúng quy định. Cần quan tâm xét, phong tặng các danh hiệu Nhà nước đối với VNS ở các tỉnh miền núi, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, đã có cống hiến, đạt nhiều thành tích trong hoạt động văn hóa và VHNT.
 
Ba là, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT, cấp kinh phí thỏa đáng cho Hội VHNT các địa phương, đây là sự động viên kịp thời, thiết thực để VNS tích cực sáng tác, giới thiệu, quảng bá tác phẩm VHNT. Đồng thời, chỉ đạo UBND các địa phương, hằng năm cân đối ngân sách để đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp văn hóa và VHNT của địa phương.
 
Bốn là, Bộ VHTTDL tích cực tham mưu cho Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển văn hóa; chủ trì, thực hiện tốt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa vào đời sống; vận động Nhân dân phát huy tốt vai trò chủ thể của văn hóa, hưởng ứng thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển bền vững...
 
THANH HỒNG