Đội ngũ giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu mới

06:12, 02/12/2021

Ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025...

Ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2018 - 2025 (gọi tắt là Đề án). Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ đạt 100% giáo viên (GV) và cán bộ quản lý (CBQL) được đào tạo theo chương trình mới đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ theo quy định. 
 
Hoạt động giáo dục mầm non trong bối cảnh cách ly đảm bảo phòng dịch COVID-19 ở Đức Trọng
Hoạt động giáo dục mầm non trong bối cảnh cách ly đảm bảo phòng dịch COVID-19 ở Đức Trọng
 
•  CHUẨN HÓA CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ 
 
Đề án của Chính phủ đặt mục tiêu về ĐTBD đội ngũ GV, CBQL cơ sở GDMN bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDMN; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và CBQL ở các cơ sở ĐTBD GV, CBQL GDMN góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT). Theo đó, riêng giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, đối với cơ sở GDMN, đào tạo nâng cao trình độ, bảo đảm ít nhất 90% GV đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm (CĐSP) mầm non trở lên, 85% GV đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; đào tạo bổ sung, thay thế đủ số GV mầm non nghỉ hưu, số GV tăng thêm theo tỷ lệ huy động trẻ. Đối với cơ sở ĐTBD, phấn đấu 100% giảng viên và CBQL giáo dục được đào tạo đạt chuẩn về trình độ, trong đó 40% giảng viên và CBQL đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, 30% giảng viên đại học và 8% giảng viên cao đẳng đạt trình độ tiến sĩ. Đồng thời, đảm bảo 100% giảng viên và CBQL được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin... 
 
Nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra gồm 4 nhóm: Đổi mới công tác truyền thông, công tác quản lý hoạt động ĐTBD GV, CBQL cơ sở GDMN; Nâng cao năng lực các trường, khoa sư phạm đào tạo; Đổi mới công tác đào tạo GV, nâng cao chất lượng bồi dưỡng; Đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế công tác ĐTBD.
 
•  GẦN 100% CÁN BỘ VÀ 87% GIÁO VIÊN ĐẠT CHUẨN TRỞ LÊN
 
Tháng 3/2021, theo Sở GDĐT Lâm Đồng, số GV mầm non chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 toàn tỉnh 305 người. Số GV cần nâng chuẩn 236 người (trình độ cao đẳng182 người, đại học 54 người). Kết quả thực hiện Đề án đến cuối năm 2021, toàn ngành có 437 CBQL; trong đó, 9 thạc sĩ, 428 đại học và 2.853 GV (1 thạc sĩ, 2.036 đại học, 667 cao đẳng và 149 trung cấp). Riêng năm 2021, số GV, CBQL đã đào tạo trình độ đại học được 223 người, đạt 73,6%; trình độ cao đẳng 4 người, đạt trên 57% so với kế hoạch. 
 
Năm học 2020 - 2021, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long, toàn tỉnh có 231 trường mầm non, mẫu giáo; trong đó, trường công lập 173 trường, chiếm trên 75%; trường ngoài công lập 58 trường, chiếm 25%. Đã công nhận đạt chuẩn quốc gia 155 trường, tỷ lệ trên 67%, tăng 26 trường so với năm học trước. Tổng số CBQL 535 người và 4.654 GV. CBQL đạt chuẩn trở lên 99,6%, trong đó trên chuẩn đạt 94%. Số GV đạt chuẩn trở lên trên 87% và trên chuẩn trên 63%. Tuy nhiên, với tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp 1.8; GDMN Lâm Đồng còn thiếu GV, theo Thông tư 06 là 466 người.
 
•  TIẾP TỤC HOÀN THIỆN ĐỘI NGŨ
 
Ưu điểm quá trình thực hiện Đề án theo Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải: GV, CBQL nhận thức rõ mục đích của việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp. Kế hoạch ĐTBD là căn cứ để các cơ sở GDMN đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ, xây dựng, triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của GV đáp ứng mục tiêu giáo dục. Từ đó căn cứ để các cấp quản lý nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ; lựa chọn và sử dụng đội ngũ GV cốt cán…
 
Tuy nhiên, hạn chế, khó khăn, vướng mắc là một số GV tự tham gia học tập ĐTBD chưa được hưởng chế độ theo quy định hiện hành nên chưa tạo được động lực để tích cực tham gia. Các lớp ĐTBD thường tổ chức trong năm học nên ảnh hưởng trực tiếp việc sắp xếp bố trí GV giảng dạy thay thế GV đi học, gây khó khăn cho các trường. Mặt khác, công tác bồi dưỡng ở một số địa phương chưa gắn với công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch cán bộ, quy hoạch trường học,... nên hoạt động bồi dưỡng mới chỉ dừng lại ở khâu cập nhật, bổ sung kiến thức. Tới đây, cần khắc phục những nguyên nhân như một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục GV còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí học sinh đóng góp nên việc tham gia học tập nâng chuẩn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 cũng đang làm gián đoạn hoặc chưa triển khai được một số hoạt động ĐTBD.
 
Năm học 2021 - 2022, thời điểm giữa tháng 11/2021, ngành GDMN Lâm Đồng có 542 CBQL và 4.325 GV. Vẫn còn thiếu GV để thực hiện mở rộng các lớp bán trú và GV chưa được đào tạo chuẩn. Đặc biệt, do dịch COVID-19 kéo dài, hoạt động của GDMN, nhất là các cơ sở ngoài công lập chịu tác động tiêu cực, các cơ sở độc lập phải đóng cửa kéo dài, không có kinh phí để chi trả cho GV và duy trì hoạt động. Các cơ sở giáo dục công lập ở các vùng cấp 1, cấp 2 chưa tổ chức dạy học trực tiếp nên không có đủ kinh phí để chi trả cho đội ngũ nhân viên đang hưởng lương hợp đồng tại trường.
 
MINH ĐẠO