Hiện đại hóa thư viện phục vụ xã hội học tập

05:12, 06/12/2021

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, Thư viện Lâm Đồng không còn đơn thuần là nơi cất trữ sách, báo, tạp chí... mà đang hiện đại hóa dần "chuyển mình" trở thành trung tâm thông tin...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, Thư viện Lâm Đồng không còn đơn thuần là nơi cất trữ sách, báo, tạp chí... mà đang hiện đại hóa dần “chuyển mình” trở thành trung tâm thông tin, trung tâm học liệu hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trung tâm văn hóa cộng đồng có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả.
 
Đưa thư viện trở thành địa chỉ văn hóa, đọc sách và sáng tạo cùng sách
Đưa thư viện trở thành địa chỉ văn hóa, đọc sách và sáng tạo cùng sách
 
•  HIỆN ĐẠI HÓA NGHIỆP VỤ THƯ VIỆN
 
10 năm qua, Thư viện Lâm Đồng đã có bước tiến dài trong tiến trình hiện đại hóa. Không còn những năm tháng bạn đọc đến thư viện phải lật từng mảnh giấy mục lục nhàu nát trong chiếc hộp gỗ nhỏ để tìm ra cuốn sách mình cần, vội ghi mã số hiệu chuyển cho cán bộ thủ thư để đến đúng kệ sách tìm số hiệu mà lấy cho mượn theo yêu cầu. Hình ảnh đó giờ đã lùi xa, tất cả giờ đây được thay thế bằng cái nick chuột. Bạn đọc chỉ cần đọc tên sách, tên tác giả mình cần là cán bộ thư viện tìm ngay ra vị trí cuốn sách trong thư viện. Thậm chí cả kho sách là không gian mở, bạn đọc được tự do vào lựa chọn, đứng đọc tại chỗ, hoặc mượn về nhà chỉ qua một cái nick chuột là xong thủ tục.
 
Hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lâm Đồng hiện có: 1 Thư viện tỉnh, 11 thư viện huyện, thành, 28 thư viện cấp xã với tổng số tài liệu hiện có trong thư viện là 284.397 tài liệu và trên 150 loại báo - tạp chí, tăng 19.294 tài liệu so với năm 2020. Bên cạnh các hoạt động cho mượn về nhà, mượn đọc tại chỗ, hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp qua điện thoại, truy cập máy tính bảng, truy cập CSDL, sao chụp tài liệu...; Thư viện còn phục vụ hiệu quả phòng máy vi tính truy nhập Internet và máy tính bảng miễn phí, đáp ứng nhu cầu tra tìm thông tin và sử dụng máy tính của người dân. Những đợt luân chuyển sách về cơ sở, bên cạnh mang theo sách in, sách truyền thống, Thư viện còn mang theo hàng trăm sách điện tử. 
 
Đã đến lúc đọc sách không có nghĩa phải đến thư viện mà chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh trong tay, vào trang thông tin điện tử thư viện, bạn đọc có thể tiếp cận bất cứ cuốn sách nào trong hơn 6 ngàn đầu sách đã được số hóa, được định danh bằng mã QR. 
 
Hiện đại hóa hoạt động, Thư viện Lâm Đồng và thư viện các huyện, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin qua việc đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ như: Hệ thống máy tính; máy in, máy fax, máy photo, điện thoại; hệ thống an ninh thư viện; thiết bị chuyên dụng sử dụng trong hoạt động nghiệp vụ (phần mềm Ilib). Đặc biệt, trong năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai phần mềm quản lý văn bản Egov đến Thư viện, đáp ứng yêu cầu công việc và đẩy mạnh hơn hoạt động của thư viện. Ngoài ra, thư viện còn áp dụng việc triển khai nhiệm vụ thông qua các ứng dụng mạng xã hội; thường xuyên duy trì việc sử dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác quản lý và xử lý nghiệp vụ thư viện như Ilid, Dspace, duy trì hiệu quả cung cấp thông tin, dịch vụ trên Trang thông tin điện tử và Fanpe của thư viện...
 
•  PHỤC VỤ ĐỌC SÁCH MỌI LÚC, MỌI NƠI
 
Xây dựng thư viện số là một nhiệm vụ cấp thiết trong thời đại số nhằm phục vụ xã hội học tập. Ông Trần Trường San - Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng cho biết: Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số của ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2031”, Thư viện Lâm Đồng đã xây dựng dự án “Số hóa tài liệu tập trung”. Với kinh phí đầu tư 7,5 tỷ đồng, từ nay đến năm 2023, Thư viện Lâm Đồng sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng. 
 
Xây dựng, phát triển nền tảng số làm cho Thư viện Lâm Đồng có thể tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số với các thư viện trong cả nước và nước ngoài; tiến tới hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số. Cung cấp dịch vụ trực tuyến, giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài liệu, mượn - trả, sao chụp từ xa, hỗ trợ học tập nghiên cứu và giải trí cho người dân. Xây dựng các thiết bị trên ứng dụng di động thông minh (điện thoại, máy tính bảng) để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi. Trong đó, sẽ đầu tư mới hệ thống phần mềm trung tâm Nainuwa lưu trữ và quản lý dữ liệu số hóa thư viện; xây dựng mới trang thông tin điện tử Thư viện Lâm Đồng đồng bộ với phần mềm trung tâm Nainuwa đáp ứng nhu cầu liên thông, liên kết giữa hệ thống thư viện công cộng của tỉnh với thư viện quốc gia và các thư viện trong và ngoài nước. Đầu tư hệ thống máy tính số hóa, máy tính nghiệp vụ, thiết bị số hóa scanner chuyên dụng phục vụ chuyển đổi số tài liệu. 
 
Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện trang thông tin điện tử Thư viện Lâm Đồng hiện đại gắn với triển khai cung cấp dich vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của hệ tri thức Việt số hóa. 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện Lâm Đồng thu thập, quản lý và được số hóa. Đến năm 2030, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo cung ứng hiệu quả cho người sử dụng thư viện. Lúc đó, chỉ cần một chiếc điện thoại trong tay là cả kho tàng tri thức nhân loại hiện lên cho độc giả lựa chọn, đọc, học, trau dồi tri thức mọi lúc mọi nơi. 
 
QUỲNH UYỂN