Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp thúc đẩy khởi nghiệp thành công

05:12, 14/12/2021

Khởi nghiệp thành công đòi hỏi một quá trình lâu dài và bền bỉ, trong đó sự tác động của Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ, hình thành hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp...

Khởi nghiệp thành công đòi hỏi một quá trình lâu dài và bền bỉ, trong đó sự tác động của Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ, hình thành hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, một chính sách phù hợp, một cơ chế vận hành hiệu quả sẽ thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp đi đến thành công.
 
Nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đã được tổ chức
Nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đã được tổ chức
 
Những năm qua, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ; trong 4 năm, toàn tỉnh có khoảng hơn 700 dự án, ý tưởng được hình thành và tham dự cuộc thi khởi nghiệp từ cơ sở. Đã có 60 ý tưởng, dự án xuất sắc được trao giải thưởng cấp tỉnh. Qua các cuộc thi khởi nghiệp cho thấy nhiều thanh niên, sinh viên, phụ nữ có đam mê, khát vọng vươn lên để thành đạt, có nhiều ý tưởng sáng tạo, dám dấn thân. Hầu hết các ý tưởng, dự án được chọn qua các cuộc thi đã tạo được dấu ấn về tính sáng tạo, phù hợp với những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Để hỗ trợ khởi nghiệp, tỉnh đã tổ chức các diễn đàn kết nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư với những người trẻ tuổi khởi nghiệp. Từ đó tạo nên không gian gặp gỡ, thỏa thuận nhiều chiều để thực hiện mua dự án, góp vốn hợp tác đầu tư, kết nối thương mại, bao tiêu sản phẩm... 
 
Muốn thúc đẩy khởi nghiệp phải có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện gồm tổ chức khởi nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan, tiến trình khởi nghiệp. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh đã hình thành với các tổ chức: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Trường Đại học Đà Lạt chuyên đào tạo, tư vấn, phát triển kỹ năng thực hành, định hướng nghề nghiệp, kết nối doanh nghiệp; Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo Lâm Đồng (Tỉnh Đoàn Lâm Đồng) thành lập năm 2018 hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên hình thành, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp; Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng (Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh) hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn pháp luật về kinh doanh, cung cấp các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; Hội Phụ nữ tỉnh thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (2017-2025) đã thực hiện các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp; Công ty Khởi nghiệp Lâm Viên cung cấp không gian tổ chức hội thảo, tọa đàm, là nơi kết nối các nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, cố vấn và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái; Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với tổng kinh phí 6 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh nhằm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay với lãi suất ưu đãi...
 
Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp Lâm Đồng còn thiếu nhiều chủ thể quan trọng như: nhà đầu tư mạo hiểm, hệ thống ngân hàng chuyên đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, chưa có không gian làm việc chung, chưa có vườn ươm khởi nghiệp, sàn giao dịch các ý tưởng, thiếu cơ quan điều phối hệ sinh thái nên sự phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp rất hạn chế. Mặc dù sớm hình thành cơ chế, chính sách, tổ chức và cơ chế vận hành chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng chưa phù hợp với thực tế nên khó vận dụng đi vào cuộc sống. Trong các dự án khởi nghiệp được tỉnh phê duyệt cho đến nay chỉ có duy nhất 1 dự án được vay 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 3%/năm vì những “rào cản” khó vượt qua. Ví dụ việc quy định người được vay phải có tài sản thế chấp; trong khi hầu hết cá nhân khởi nghiệp là người trẻ tuổi, chỉ có ý chí và đôi tay thì không thể có tài sản để thế chấp. Ngoài nguồn lực Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, tỉnh còn có các quỹ khuyến công, quỹ phát triển khoa học công nghệ, hợp tác xã, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại... nhưng lại không có quy chế phối hợp các nguồn lực này nên khó thực hiện được trên thực tế vì mỗi quỹ đều có quy chế, đối tượng hỗ trợ và mục tiêu riêng. Phần nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp chọn lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống... tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương. Ít doanh nghiệp khởi nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, ý tưởng hạn chế, nguồn lực đầu tư không có, thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu dịch vụ hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm để phát triển doanh nghiệp thành công.
 
Theo ThS.Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng: Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh lên cấp độ mới, cần phải tháo gỡ những vướng mắc và định hướng phát triển phù hợp như: ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của hoạt động khởi nghiệp và điều kiện thực tế của địa phương. Hoàn thiện đầy đủ hệ sinh thái khởi nghiệp với một mô hình tổ chức thống nhất có hiệu lực, hiệu quả trong điều phối hoạt động hệ sinh thái. Lấy doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm để lồng ghép các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để hỗ trợ một cách đồng bộ, tổng hợp tối đa nguồn lực. Liên kết chặt chẽ các thành phần trong hệ sinh thái, điều chỉnh quy chế quản lý quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho phù hợp để các dự án khởi nghiệp được thụ hưởng. 
 
QUỲNH UYỂN