Khó khăn của giáo dục đặc biệt vượt qua dịch COVID-19

05:12, 14/12/2021

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục, đặc biệt khi trường phải đóng cửa nhiều ngày...

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục, đặc biệt khi trường phải đóng cửa nhiều ngày. Thực trạng này đang diễn ra tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng, nơi có 25 học sinh THCS và khoảng 100 học sinh tiểu học và mầm non.
 
Giờ dạy học online của giáo viên Võ Duy Quang, thầy cũng là người khiếm thính nhưng rất có năng lực và tâm huyết
Giờ dạy học online của giáo viên Võ Duy Quang, thầy cũng là người khiếm thính nhưng rất có năng lực và tâm huyết
 
•  HỌC SINH BỎ HỌC, THIẾU PHƯƠNG TIỆN VÀ KỸ NĂNG HỖ TRỢ 
 
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết: Từ tháng 9, trường đã chuẩn bị mọi tâm thế sẵn sàng đón học sinh (HS) đến học, nhưng do dịch COVID-19, chủ trương của chính quyền địa phương chưa cho phép thực hiện, đành tổ chức dạy học trực tuyến. Nhưng khó khăn rất nhiều bởi hầu hết HS ở vùng có khó khăn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhiều bố mẹ, anh chị đều khiếm thính, điển hình như ở xã Đạ Đờn, cả 3 anh em người dân tộc thiểu số đều khiếm thính. Mặt khác, nhiều gia cảnh không có điện thoại kết nối internet. Nhiều trở ngại khác từ phía phụ huynh bởi vô vàn hoàn cảnh éo le khác nhau: trình độ hạn chế; thiếu kiến thức ngôn ngữ ký hiệu; bố mẹ đều bị câm, điếc; bố mẹ ly dị con ở với ông bà; bố mẹ mất; bố mẹ làm ăn xa, trường không liên lạc được; phụ huynh tự ti, giao phó con cho trường được chăng hay chớ... Dạy học trực tuyến vốn không đạt chất lượng như dạy học trực tiếp, khi HS học ở nhà không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của phụ huynh càng không thể đảm bảo yêu cầu về chất lượng. 
 
Những nguyên nhân trên dẫn đến hầu như các lớp đều không đảm bảo sĩ số, đặc biệt rơi vào các lớp mầm non và tiểu học. Qua Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh, chúng tôi khảo sát một số thông tin từ thầy cô giáo đủ thấy thực trạng buồn này. Đầu tháng 11/2021, cô Trần Thị Thủy, phụ trách lớp 2 báo cáo nhóm: “Hiện nay lớp chỉ liên lạc được 6/8 em, còn 2 HS vẫn không thể liên lạc được để “áp” vào zalo của lớp”. Tương tự, lớp 3 của cô Mai Linh đã nhập được vào zalo 6/9 HS, HS Cường, Tấn Lộc và Lyét không thể nhập; lớp 2 của cô Hạnh có 5/8 HS vào nhóm, còn 3 HS không có điện thoại; một lớp mầm non khác cũng chỉ có 5 trẻ liên lạc được với phụ huynh để lập nhóm, còn 3 trẻ không liên lạc được với phụ huynh... Còn lớp 5 do cô Trương Thị Hương chủ nhiệm, giáo viên là người khiếm thính, đã liên lạc được 7 HS, còn em K’Bình vẫn bặt vô âm tín...
 
•  NỖ LỰC KHÔNG BỎ RƠI HỌC SINH
 
Thuận lợi nhất đó là đội ngũ giáo viên của trường dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn, nhiều kỹ năng dạy học chuyên biệt và tâm huyết, yêu thương HS. Hệ thống bài giảng đầy đủ, kỹ lưỡng. Nội dung kiến thức đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cắt giảm nhiều theo tinh thần linh hoạt, thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19, nhưng Trường Khiếm thính Lâm Đồng tiếp tục cắt giảm thêm, trình Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để phù hợp hơn nữa với HS. Nhà trường lập đường link cho mỗi giáo viên dạy học lớp của mình. Với HS THCS, các em rất chăm ngoan, vâng lời thầy cô giáo và mong muốn được học tập. Các em có khả năng sử dụng điện thoại thông minh để tự giác tương tác với thầy cô trong học tập và giao tiếp. Nhiều HS tiếp thu tiến bộ, có những lớp 100% HS tham gia học trực tuyến. 
 
Với HS tiểu học và mầm non, trường vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học để thích ứng. Ví dụ, số HS có điện thoại được tổ chức dạy học ban ngày, số HS không có điện thoại chờ bố mẹ đi làm về dạy vào buổi tối. Bài làm của HS, phụ huynh chụp gửi để giáo viên sửa. Trường hợp gia đình không có phương tiện kết nối internet, giáo viên hướng dẫn bằng cách... nói qua điện thoại; trường gửi sách giáo khoa cho phụ huynh và dặn dò các kỹ năng đọc. Tuy nhiên, cách dạy chay, không bằng trực quan, chỉ giải quyết được môn Toán, còn các môn học khác rất khó khăn...
 
•  NGÔN NGỮ KÝ HIỆU LÀ CHÌA KHÓA
 
Học sinh khiếm thính còn có những em “điếc sâu”, học trực tuyến càng trở ngại lớn. Trong lúc, 95% phụ huynh không biết ngôn ngữ ký hiệu. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, trường đang cố gắng phát huy dạy học cho phụ huynh bằng việc mở lớp bồi dưỡng kỹ năng ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, do nhiều hoàn cảnh khách quan và chủ quan từ phụ huynh, việc này chưa thể triển khai được.
 
Một vấn đề rất quan trọng đối với giáo dục đặc biệt này là sự chung tay của cộng đồng. Để HS hòa nhập, cộng đồng có thể tham gia thông qua giao tiếp, nắm bắt tâm tư, tình cảm, điều kiện của HS để giúp đỡ, hướng dẫn. Khi cộng đồng có ngôn ngữ ký hiệu thì sự đồng hành với HS trong bước đường chinh phục tri thức hết sức thuận lợi. Tình thương yêu trẻ khuyết tật thể hiện bằng quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất rất trân trọng, nhưng đó còn là chia sẻ, động viên, truyền cảm hứng đối với trẻ vượt qua mặc cảm. Nguyên lý giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội càng cần thiết và quan trọng đối với giáo dục đặc biệt. 
 
Giải pháp học trực tuyến dĩ nhiên không thể hiện được ưu thế đối với các thầy cô giáo, cha mẹ và trẻ có rối loạn phát triển. Các em vốn khó tập trung, khó ghi nhớ nên cần hỗ trợ thường xuyên từ thầy cô giáo chuyên biệt. Thầy cô áp dụng can thiệp từ xa, bố mẹ chưa có kỹ năng tương tác và chăm dạy đúng cách là những yếu tố bất lợi. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ: “Mặc dù nhà trường phát huy tối đa các giải pháp, phương pháp, nhưng rất mong muốn HS được trở lại trường để giúp đỡ các em tiếp thu bài học tốt. Bản thân các em rất khao khát được trở lại trường, để được tương tác, giao lưu học hỏi, chia sẻ tâm tư từ thầy cô giáo và bạn bè đồng cảnh. Nếu tách khỏi môi trường giáo dục đặc biệt thời gian dài sẽ là trở ngại lớn đối với chất lượng giáo dục”. Vâng, học hòa nhập sẽ giúp các em được hòa nhập với cộng đồng, không cảm thấy bị bỏ rơi. Học hòa nhập cũng để cộng đồng thông cảm, hỗ trợ người khuyết tật. Đó cũng là nội dung của Luật Người khuyết tật năm 2010 và Luật Giáo dục đã dành hẳn ở Điều 15. 
 
MINH ĐẠO