Để có nhiều giải pháp nhằm tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Đam Rông, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo...
Để có nhiều giải pháp nhằm tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Đam Rông, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện đã thực hiện nhiệm vụ năm học với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Qua đó, học sinh dân tộc thiểu số ở hai cấp này đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
|
Học sinh đồng bào dân tộc Mông trong một buổi học bộ môn Tiếng Việt tại điểm trường Tiểu khu 179, xã Liêng Srônh |
Nằm yên bình giữa thôn Tu La (xã Đạ M’rông), Trường Mầm non Đạ M’Rông còn đó nhiều khó khăn. Năm học này, trường có 349 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 94,6%. Phần lớn trẻ đến trường đều sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp nên việc củng cố tiếng Việt, tạo thói quen sử dụng cho trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhà trường xác định ngay từ đầu năm học mới.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ M’rông Phạm Thị Ngọc Bích chia sẻ: Được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lâm Đồng, hướng dẫn của Phòng GDĐT huyện Đam Rông, trường đã có nhiều giải pháp để thực hiện tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong những năm học gần đây, ngay từ đầu năm học, trường đã triển khai cho giáo viên xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt phong phú, thân thiện đến trẻ trong và ngoài lớp học. Các góc học tập, vui chơi đa dạng, mang đặc trưng bản sắc văn hóa địa phương, gần gũi giúp trẻ TCTV.
“Nhằm hỗ trợ TCTV cho trẻ em DTTS, hằng năm trường chủ động huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí để mua sách vở, tài liệu, đồ chơi cho các em. Phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xây dựng các câu lạc bộ đọc sách tại thôn, hướng dẫn cha mẹ trẻ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà để giao tiếp với trẻ. Cùng với đó, phối hợp với Trường Tiểu học Đạ M’rông tổ chức cho các em mẫu giáo 5 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học tham gia ngày hội nói tiếng Việt; tích cực cùng phụ huynh, già làng sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian như truyện thơ, sử thi, câu đố, các bài hát ru của người DTTS để chuyển tải bằng tiếng Việt dùng trong nhà trường... Mỗi lớp xây dựng một thư viện xanh, thư viện thân thiện trong lớp, tạo cơ hội để phụ huynh học sinh tham gia vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Tại các đợt khảo sát chất lượng cuối học kỳ và cuối năm học, phần lớn trẻ đều yêu thích đến trường, mạnh dạn, tự tin sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, nhiều trẻ có thể kể chuyện, đọc thơ diễn cảm, thuộc lời bài hát, diễn đạt được mong muốn của mình” - cô Bích cho hay.
Tại Trường Tiểu học Rô Men hiện có 3 điểm trường; trong đó, có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ với tỷ lệ học sinh DTTS chiếm trên 70%. Theo thầy Phan Vĩnh Nhựt - Hiệu trưởng nhà trường, với phương châm “Không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh”, trường đã đưa nội dung TCTV vào quá trình dạy học chính khóa, ngoại khóa, tích hợp trong mọi hoạt động.
“Ngoài ra, trường tổ chức các hoạt động như Ngày hội đọc sách giúp tăng cường kỹ năng đọc hiểu cho học sinh. Tổ chức tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các phần mềm, tư liệu, hình ảnh để nâng cao hiệu quả dạy, học tiếng Việt. Không chỉ TCTV tại lớp học, các giáo viên chủ nhiệm còn hướng dẫn học sinh khi về nhà cần sử dụng sách báo, nghe đài, xem ti vi và trao đổi nội dung nghe đọc với người thân, bạn bè, thầy cô... Nhờ đó, khả năng sử dụng tiếng Việt của học sinh được cải thiện rõ rệt”, thầy Nhựt nói.
Cô Bùi Thị Là - Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Đam Rông nhận định: Sau 5 năm thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt tăng dần, số lượng học sinh chưa hoàn thành giảm, chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là khả năng giao tiếp của các em trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Mặt khác, trong các giờ dạy tiếng Việt đã sinh động và hấp dẫn hơn với học sinh. Một số giáo viên chủ nhiệm là người địa phương cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giảng giúp các em tiếp nhận kiến thức mới nhẹ nhàng hơn.
Bên cạnh những mặt thực hiện tốt, lãnh đạo Phòng GDĐT Đam Rông chỉ ra được những khó khăn nhất định trong việc TCTV cho học sinh DTTS như trẻ em mầm non DTTS khi mới đến trường, lớp còn hạn chế về vốn tiếng Việt và khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt còn ít; lớp ghép còn chiếm tỷ lệ cao ở những điểm trường lẻ...
“Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục Đam Rông quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa việc TCTV cho học sinh DTTS nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, xóa dần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng”, cô Là khẳng định.
THÂN THU HIỀN