Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh viện dã chiến bắt buộc phải kích hoạt tại Trung đoàn Bộ binh 994 trở thành bệnh viện...
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh viện dã chiến bắt buộc phải kích hoạt tại Trung đoàn Bộ binh (BB) 994 trở thành bệnh viện. Những người lính ngoài màu áo quân nhân còn khoác thêm lên mình màu áo của cán bộ y tế để trở thành một phần không thể thiếu cho bệnh viện dã chiến vận hành.
|
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn BB994 đảm bảo tất cả các điều kiện cần thiết để vận hành bệnh viện dã chiến |
•
ĐẢM BẢO TỐT NHẤT VẬN HÀNH BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Tính đến ngày 24/11, sau hơn một tháng triển khai quy định tạm thời của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Lâm Đồng ghi nhận 2.230 trường hợp dương tính với Sars-Cov2. Nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, lan rộng trên địa bàn tỉnh chủ yếu do người dân từ các tỉnh, thành phố vùng dịch đến/về tỉnh Lâm Đồng làm phát tán mầm bệnh. Việc chủ động các phương án để ứng phó với những tình huống dịch phức tạp có thể xảy ra là cơ sở quan trọng để Lâm Đồng vẫn triển khai các nhiệm vụ nhằm thích ứng với tình hình mới. Trong đó, việc sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến tại cơ sở 1 Trung đoàn BB994, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng với quy mô 300-500 giường là một trong những cơ sở quan trọng, là điểm tựa trong ứng phó dịch bệnh của Lâm Đồng.
Trong năm 2021, nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ đột xuất liên quan đến công tác phòng, chống dịch được triển khai song song ở Trung đoàn BB994. Thượng tá Vũ Ngọc Lương - Chính ủy Trung đoàn 994 cho biết: “Với cả hai nhiệm vụ trên, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đều thực hiện với ý thức, trách nhiệm, kỷ luật và quyết tâm cao nhất. Trung đoàn là đơn vị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn để hình thành một trong những khu cách ly tập trung đầu tiên của tỉnh, đây là nơi đảm bảo cách ly tập trung cho 317 công dân. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cũng đã hoàn thành hơn 1.000 ngày công để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ bệnh viện dã chiến”.
Thượng tá Nguyễn Văn Hòa - Trung đoàn trưởng, Phó Giám đốc bệnh viện dã chiến chia sẻ thêm: “Thực hiện mọi nhiệm vụ để sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến khi cần, nhưng không ai mong muốn bệnh viện đặc biệt này đi vào hoạt động. Tuy vậy khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh viện vận hành, khó khăn chồng chất, song toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn thống nhất một lòng, tập trung thực hiện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ tại cơ sở hai của Trung đoàn BB994 đóng quân tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, cùng 12 chiến sĩ được Bộ CHQS tỉnh tăng cường về cơ sở 1 của Trung đoàn để cùng 100% quân số tại đây vận hành bệnh viện dã chiến. Trước khi bệnh viện chính thức được vận hành, Chỉ huy Trung đoàn BB994 đã phối hợp UBND xã Liên Hiệp và Tổ dân phố 22 thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) là khu vực đơn vị đang đóng chân để tuyên truyền kỹ lưỡng các quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để trấn an tư tưởng của bà con nhân dân tại khu vực này.
|
Cán bộ, chiến sĩ tổ vệ sinh khoác đồ bảo hộ đưa cơm vào khu vực bệnh viện đảm bảo tuyệt đối an toàn |
• NHỮNG NGÀY KHÔNG NGỦ
Bệnh viện dã chiến chính thức được kích hoạt từ ngày 19/11. Hiện đã sử dụng 269 giường bệnh. Trung đoàn BB994 những ngày này được phân thành hai vùng xanh - đỏ. Vùng xanh gồm khu hành chính và các khu vực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Trung đoàn. Vùng đỏ thuộc khu vực bệnh viện dã chiến nơi sinh hoạt, điều trị của các F0.
Trực tiếp có mặt tại bệnh viện dã chiến chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của những người lính trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Để đảm bảo tốt nhất công tác phòng dịch, Trung đoàn sử dụng ba cổng ra vào. Cổng chính được dành để đưa F0 vào bệnh viện dã chiến. Một cổng phụ là lối ra cho bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và cổng phụ còn lại phục vụ các hoạt động chuyên môn của Trung đoàn. Tất cả các cổng đều có lực lượng canh gác 24/24h đảm bảo an toàn phòng dịch. Để đảm bảo phục vụ các hoạt động vận hành bệnh viện dã chiến, các tổ đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau trong bệnh viện đã được thành lập.
Một ngày của những người lính mang đồ bảo hộ y tế bắt đầu từ 3 giờ sáng, khi 13 cán bộ, chiến sĩ tổ dinh dưỡng bắt đầu phục vụ bữa ăn cho hàng trăm bệnh nhân, cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn. Thức ăn được nấu xong sẽ đem tới đặt sẵn trên các bàn lớn trước lối vào bệnh viện dã chiến. Những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ trong khu vực bệnh viện dã chiến khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế cấp 4, chịu trách nhiệm đưa thức ăn tới các bệnh nhân ở các khu vực điều trị. Các công đoạn được quy định rõ ràng, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong đơn vị. Và công việc của những người lính mang đồ bảo hộ ấy kết thúc lúc gần 10h tối khi tổ vệ sinh hoàn tất những công việc cuối cùng trong ngày. Cả Trung đoàn chìm trong màn đêm, chỉ còn tiếng xe đẩy, tiếng bước chân của những chiến sĩ tổ vệ sinh, tổ canh gác là còn thức. Đêm khuya lạnh nhưng đằng sau bộ đồ bảo hộ y tế cấp 4 ấy mồ hôi luôn ướt đẫm màu xanh áo lính của những người chiến sĩ.
Những vất vả trong thực hiện nhiệm vụ là điều dễ thấy, nhưng có lẽ điều gian khổ nhất với những người lính mang áo bảo hộ nói riêng và cả Trung đoàn BB994 nói chung là việc tiếp xúc trực tiếp với F0, có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Cả Trung đoàn đang trải qua những tháng ngày căng thẳng nhất. Ở đơn vị nơi mà trước đây chỉ nghe tiếng hiệu lệnh còi, kèn, tiếng hô khẩu lệnh và tiếng nói cười, nay còn có thêm tiếng xe cứu thương đầy ám ảnh, tiếng lẻng xẻng của thiết bị y tế và cả tiếng khóc, cười với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau của cả bệnh nhân lẫn cán bộ y tế. Bữa cơm của những người lính cũng không còn là giây phút chuyện trò vui vẻ như trước đây, khi mà các bộ phận được chia ra ăn ở những vị trí khác nhau để tránh lây nhiễm. Lực lượng trực tiếp chăm sóc F0 ăn cơm ngay trong bệnh viện dã chiến. Không ít khi những người lính ấy mệt nhoài, xong nhiệm vụ và ngồi nghỉ vội dưới hàng cây, bộ đồ bảo hộ vẫn mang y nguyên. Chỉ huy Trung đoàn chứng kiến và thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ, rằng “Phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tất cả vì sức khỏe Nhân dân”.
Thượng tá Nguyễn Văn Hòa chia sẻ thêm: “Vận hành bệnh viện dã chiến là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ nên chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh công tác chuyên môn, nhiệm vụ ở bệnh viện, Chỉ huy Trung đoàn còn thường xuyên quán triệt, nhắc nhở việc luôn luôn cẩn trọng, đảm bảo phòng dịch, nhất là trong lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cả tổ và cả đơn vị. Bộ đội luôn sẵn sàng nhận và cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao nhưng sự lo lắng, ưu tư của người nhà là không thể tránh khỏi, vì vậy công tác hậu phương quân đội càng được Trung đoàn chú trọng hơn nữa trong thời điểm này, để cán bộ, chiến sĩ an tâm thực hiện nhiệm vụ”.
Rất nhiều bệnh nhân lần lượt khỏi bệnh và được ra viện trong niềm vui của cán bộ y tế, của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Bà con trở về mang những nụ cười, cánh tay vẫy chào và cả niềm tin vào bộ đội. Nhìn những vòng xe mang tin vui lăn bánh rời đi, những cán bộ, chiến sĩ nơi đây càng thêm tin tưởng vào một ngày mai dịch bệnh được kiểm soát, sức khỏe Nhân dân được đảm bảo, Trung đoàn lại trở về thực hiện đúng chức năng vốn có mà Bộ CHQS tỉnh và Nhân dân giao phó.
NGỌC NGÀ