Phối hợp hiệu quả chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

05:12, 28/12/2021

Chương trình phối hợp chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho bà mẹ, trẻ em giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Sở Y tế đã góp phần nâng cao sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong tình hình mới.

Chương trình phối hợp chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho bà mẹ, trẻ em giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Sở Y tế đã góp phần nâng cao sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong tình hình mới.
 
 Trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngày càng được quan tâm, chăm sóc
Trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngày càng được quan tâm, chăm sóc
 
Nhiều năm nay, Hội LHPN huyện Lạc Dương duy trì hiệu quả các Câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 80% hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, các Câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi trong việc chăm sóc, nuôi dạy con của chị em. Chị Trần Thị Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Dương cho hay: “Để thực hiện nhiệm vụ CSSK bà mẹ và trẻ em, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các ngành có liên quan thường xuyên phát động chị em thực hiện tốt việc CSSK sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn chị em cách nuôi dạy con theo khoa học, cách tổ chức cuộc sống gia đình. Việc CSSK bà mẹ, trẻ em thực hiện kết hợp với nhiều hoạt động như quan tâm đến chế độ ăn uống, nhà ở của gia đình, rèn luyện thân thể, chế độ vui chơi giải trí, môi trường cuộc sống trong gia đình và xã hội, môi trường thiên nhiên, thực hiện kế hoạch hóa gia đình và khả năng chăm sóc của tổ chức y tế...”.
 
Theo chị Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thực hiện chương trình phối hợp CSSK cho bà mẹ, trẻ em nói riêng, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế và các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân, CSSK sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho chị em phụ nữ, triển khai chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, chương trình tiêm chủng mở rộng... 
 
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động truyền thông về kế hoạch hóa gia đình tại các địa bàn có mức sinh cao, địa bàn có đối tượng khó tiếp cận. Phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, tổ chức tầm soát trước sinh cho phụ nữ có thai và tầm soát trẻ sơ sinh nhằm phát hiện một số bệnh tật bẩm sinh phổ biến, thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản của bà mẹ. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho phụ nữ về chế độ dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn cho bà mẹ về nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ có con từ 6 - 36 tháng tuổi đi tiêm phòng văc-xin đúng thời gian quy định... Hội LHPN các cấp phối hợp với ngành Y tế tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Hội về kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; cấp phát tờ rơi với các số nội dung như hướng dẫn lựa chọn một số thực phẩm thông thường, bảo quản thực phẩm, những điều cần biết về phụ gia thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn nhằm đảm bảo an toàn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em… Tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn bán trú tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. 
 
Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh phối hợp với ngành Y tế xây dựng và duy trì 77 mô hình cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ, nuôi dạy con tốt; 11 mô hình về an toàn thực phẩm; 7 mô hình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các chỉ số về chăm sóc bà mẹ và trẻ em đạt một số kết quả. Đối với trẻ em đã giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi từ 11,9% (năm 2019) xuống còn 11,76% (năm 2020); tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi từ 19,5% (năm 2019) xuống còn 19,4% (năm 2020); tỷ lệ trẻ từ 0-6 tháng được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 23,54% (lộ trình đến năm 2025 đạt và vượt mức 25%); tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi được ăn bổ sung hợp lý đạt 66,17% (lộ trình đến năm 2025 đạt và vượt mức 70%); tỷ lệ trẻ 0-24 tháng tuổi bú mẹ đến 24 tháng đạt 47,65% (lộ trình đến năm 2025 đạt và vượt mức 50%); tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong một giờ đầu sau sinh đạt 78,6% (lộ trình đến năm 2025 đạt và vượt mức 80%). Đối với bà mẹ, tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai đạt 98,7%; tỷ lệ phụ nữ đẻ khám thai từ 3 lần trở lên trong thai kỳ đạt 98,6%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế qua đào tạo đỡ đạt 99,9%; tỷ lệ phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh (42 ngày) đạt 87,8%; tỷ lệ trẻ đẻ dưới 2.500gr chỉ 3,55%.
 
VIỆT HÙNG