Cổ súy bỏ Tết cổ truyền là rũ bỏ văn hóa dân tộc

07:01, 24/01/2022
(LĐ online) - Mỗi năm, khi Nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài hân hoan chuẩn bị đón tết, thì trên mang xã hội lại “lao nhao” các bài viết xuyên tạc, phủ nhận giá trị tốt đẹp Tết cổ truyền (Nguyên đán). Đã có những luận điệu xỏ xiên, đòi bỏ Tết cổ truyền - rũ bỏ văn hóa dân tộc…  
 
Đặc trưng Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam
Những trò chơi dân gian truyền thống trong ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt.
 
TẾT CỔ TRUYỀN LÀ CỘI NGUỒN VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM
 
Gần đây, xuất hiện trào lưu đòi “đổi mới”, “hướng ngoại”… với lý luận: Đổi mới để phát triển, để văn minh. 
 
Với suy nghĩ chủ quan, một số “nhà thông thái” chê bai Tết cổ truyền của dân tộc ta; cho rằng: Tết Nguyên đán “làm cho nền kinh tế èo uột”, “thủ phạm của sự đình trệ kinh tế”, gây lãng phí thời gian, tiền của… Từ đó, đề nghị “gộp” Tết Nguyên đán vào “Tết Tây”; hoặc bỏ Tết Nguyên đán.
 
Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã lên tiếng. Ngoài những luận điểm sát đáng, các nhà khoa học còn dẫn chứng một số quốc gia trên thế giới, châu Á, nhiều nước còn giữ Tết Nguyên đán, có nước theo Tết Dương…V à, tác động của nó đến đời sống người dân; đặc biệt, việc gìn giữ văn hóa của mỗi dân tộc ra sao?
 
 PGS.TS Lê Trung Vũ (Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam) đã viết: “Trải qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam là một quốc gia luôn mang trong mình một nền văn hóa lớn và độc đáo. Văn hóa Việt Nam gắn liền với văn hóa lúa nước, vì vậy nó vẫn chất phác, đơn sơ, giản dị, gần gũi nhưng không kém phần tinh tế. Những nét văn hóa ấy được giữ gìn và lưu truyền bao đời nay. Một trong những viên ngọc quý của văn hóa Việt Nam là các ngày lễ, tết. Tết cổ truyền dân tộc không chỉ là nét văn hóa mà còn là vốn văn hóa quý giá do ông cha ta gây dựng bởi nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, có những điều đẹp đẽ, nghĩa tình và thiêng liêng”.
 
Dưới thời các triều đại Lý, Trần, Lê, ông cha ta tổ chức lễ, tết rất trang trọng. Những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán như tục tiễn ông Táo về trời, bày mâm ngũ quả, tất niên, cúng giao thừa, tục xông nhà, mừng tuổi… là những giá trị hiện sinh, thành quả của cả dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng và giữ nước. Bởi vậy, theo ông Huỳnh Thiệu Phong (Đại học Văn Hóa TP Hồ Chí Minh): “Những giá trị văn hóa trong Tết Nguyên đán còn tồn tại đến ngày nay đã là sự kế thừa có chọn lọc của nhiều yếu tố. Tết Nguyên đán đã vượt qua sự “kiểm định” của lịch sử về những giá trị tự thân của nó để có thể tồn tại cho đến ngày nay”…
 
Tết Nguyên đán còn gọi “tết Ta” - “tết Cả”, với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng. Với người Việt, Tết Nguyên đán là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tiên. Mọi gia đình người Việt vào ngày Ba mươi Tết đều bày biện bàn thờ cúng tổ tiên rất trang trọng; hướng về nguồn cội là giá trị tâm linh, nếp sống, truyền thống tốt đẹp, bền vững của người Việt. 
 
Tặng chữ đầu năm là phong trục tốt đẹp của người Việt. Ảnh Thanh Dương Hồng.
Tặng chữ đầu năm là phong trục tốt đẹp của người Việt. Ảnh Thanh Dương Hồng.
 
BỎ TẾT CỔ TRUYỀN, LIỆU CÓ GIÀU HƠN?
 
Để “Bụt nhà không thiêng” khi người Việt nói về Tết cổ truyền của người Việt, hãy nghe ý kiến của các chuyên gia nước ngoài: Joe Buckley, học giả người Anh đã 10 năm sống, nghiên cứu về lao động và phát triển tại Việt Nam, khẳng định: “Rất nhiều quốc gia phát triển thịnh vượng và vẫn ăn Tết Nguyên đán”. Ông phân tích: Trung Quốc cũng như Việt Nam rất coi trọng Tết Nguyên đán. Trung Quốc nghỉ tết ít nhất 7 ngày... Nhưng 30 năm qua, chúng ta thấy rõ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ và giờ đứng thứ 2 thế giới. Một ví dụ khác: Những năm 50, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng hiện nay nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong top 20 thế giới… mà vẫn không cần bỏ Tết cổ truyền. Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia vẫn phát triển rất ổn định mà không hề bỏ Tết Nguyên đán. Phát triển kinh tế và ăn Tết cổ truyền có thể song hành cùng nhau” - ông Buckley kết luận.
 
Còn Tiến sĩ Sin Harng Luh - Đại học Quốc gia Singapore: “Trở nên tiến bộ, văn minh không có nghĩa là gạt bỏ các giá trị văn hóa ra một bên. Tết là nét văn hóa truyền thống rất riêng của Việt Nam. Người phương Tây nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới theo phong tục của họ từ xưa đến nay, tại sao Việt Nam lại cứ lăn tăn câu chuyện bỏ hay giữ Tết cổ truyền?”. Bà nói thêm: “Không có dịp lễ hội nào không mệt mỏi bởi mua sắm, chi tiêu, kẹt xe, tắc đường… Nhưng mục đích chung của kỳ nghỉ lễ là trao thời gian cho người lao động, để họ vui chơi, giảm mệt mỏi và đoàn viên bên gia đình”...
 
Nói Tết Nguyên đán làm đình trệ sản xuất, nền kinh tế giảm sút, đó là cái nhìn phiến diện, thiển cận. Tết Nguyên đán là “Tết đoàn viên”, thời gian để chăm sóc gia đình, thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - tâm linh ngàn đời của người Việt. Tết, người lao động được nghỉ ngơi để lấy lại tâm thế bước vào năm mới làm việc phấn chấn hơn, hiệu quả hơn; là dịp đi tham quan, du lịch, thăm nhau; đặc biệt, tết là thời điểm mua sắm tăng cao; theo đó, kích thích sản xuất…Vậy, Tết Nguyên đán có phải nguyên nhân làm cho sản xuất đình đốn, kinh tế giảm sút, đất nước nghèo nàn?!
 
ĐÒI BỎ TẾT CỔ TRUYỀN LÀ Ý ĐỒ RŨ BỎ VĂN HÓA DÂN TỘC
 
Việt Nam đã và đang thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Song, để trở thành quốc gia văn minh, không có nghĩa chối bỏ quá khứ tốt đẹp; gạt bỏ giá trị văn hóa dân tộc.
 
Tết cổ truyền Việt Nam là nét văn hóa độc đáo tổ tiên truyền lại; bởi nó lưu giữ hồn cốt tổ tiên, cội nguồn, gốc tích dân tộc. Ở đó, là những giá trị tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh, ước vọng, nuôi dưỡng tâm hồn Việt; đặc biệt, nó đã được “sàng lọc” qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta. Chối bỏ Tết cổ truyền là hành vi cổ súy chối bỏ tổ tiên, chối bỏ văn hóa Việt! TS. Sin Harng Luh chua chát: “Nếu cội nguồn truyền thống của mình mà không giữ được thì sao dám trông mong phát triển những thứ lớn lao hơn”.
 
Một thực tế nhãn tiền, khi Nhật Bản - quốc gia duy nhất ở châu Á, vì muốn trở thành một cường quốc phát triển như phương Tây, năm 1873 (năm Minh Trị thứ 6) đã thay đổi lịch truyền thống (Âm lịch) sang dương lịch, bỏ Tết cổ truyền. Để đến nay, người dân Nhật Bản cứ tiếc nuối, vì kiểu ăn tết này khiến họ mất dần bản sắc văn hóa của mình và đòi chính phủ khôi phục lại Tết cổ truyền. Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki đã thừa nhận, gần đây người dân Nhật Bản kêu gọi khôi phục Tết cổ truyền...
 
Điều đáng nói là, “ăn theo” ý kiến chủ quan của một số cá nhân về bỏ Tết Nguyên đán, số đối tượng sẵn lòng hận thù dân tộc, có dịp buông lời chê bai, tuyên truyền tư tưởng “bài nội”, “sùng ngoại”, phủ nhận thành tựu phát triển của đất nước, xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta; với luận điệu: Nên bỏ Tết cổ truyền, không thể cứ khư khư giữ lấy truyền thống để phải chịu nghèo đói; còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo… Đài VOA, RFE và các hãng thông tấn nước ngoài nuôi dưỡng lực lượng “chống cộng” lên tiếng xuyên tạc, kích động đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đòi thay đổi thể chế chính trị… âm mưu, “cội rễ” của chúng là xóa bỏ văn hóa; đó là truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam!
 
Mỗi năm khi xuân về đều gắn với kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Lãnh đạo các cơ quan thường đi thăm, chúc Tết các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ. Đây là truyền thống tốt đẹp của chế độ ta. Song, các thế lực phản động không từ bỏ bất cứ hoạt động nào, chúng tìm cách xỏ xiên, đặt điều, nói xấu… nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, bôi nhọ danh dự, uy tín cán bộ…
 
Bác Hồ dạy “… Cái gì cũ mà tốt phải phát triển thêm”. Tết cổ truyền có lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, cần gìn giữ. Ai đó, nếu quan tâm văn hóa dân tộc, thay vì “đề xuất” bỏ Tết Nguyên đán, sao không “hiến kế” các giải pháp góp phần hạn chế những tiêu cực phát sinh? Chớ nên “tạo cớ” để các thế lực phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá Nhà nước ta…
 
THẠCH TÂM