Liên quan đến lộ trình mở cửa trường học, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp. Lãnh đạo 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đều đồng quan điểm đưa trẻ trở lại trường sau Tết.
|
Tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12, năm học 2021-2022 an toàn. |
•
KHẨN TRƯƠNG, CƯƠNG QUYẾT, CHU ĐÁO ĐƯA HỌC SINH TRỞ LẠI TRƯỜNG HỌC
Ngày 19/1/2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần: “Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học”.
Thời gian qua, ngành Giáo dục các tỉnh, thành đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh COVID-19. Đã đến lúc cần ứng phó chủ động và quyết liệt hơn. Và theo ông Nguyễn Kim Sơn, “Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vắc xin, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh”. Theo đó, ngay trong dịp nghỉ Tết, ngành Giáo dục, các địa phương và xã hội cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác. Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Quan điểm của Bộ Y tế cũng cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết. Song, trong dịp Tết, các địa phương cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron. Sau Tết, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GDĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường”.
Ngành GDĐT và ngành Y tế cần phối hợp tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID-19 trong trường học, lớp học. Điều này hết sức cần thiết, nhằm không đứt gãy dạy học trực tiếp, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đồng thời, tạo yên tâm đối với phụ huynh. Việc đưa trẻ trở lại trường phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Cùng đó, ngành GDĐT có hướng dẫn cụ thể xây dựng lộ trình chi tiết về thi cử, học bù, củng cố kiến thức.
•
GIÁO DỤC LÂM ĐỒNG: AN TOÀN, CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ
Tại thời điểm cuối học kỳ I năm học 2021-2022, tỉnh Lâm Đồng là một trong 30 địa phương vừa tổ chức học trực tiếp và trực tuyến. Năm học này, toàn ngành có 686 đơn vị trường học với tổng số 334.375 học sinh các cấp. Toàn ngành có 22.118 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Báo cáo của Sở GDĐT, tính đến tuần 2 tháng 1/2022, tình hình học trực tiếp như sau: Mầm non đạt tỷ lệ 39,82%;. Tiểu học đạt tỷ lệ 71,6%; THCS đạt tỷ lệ 86,56%; THPT đạt tỷ lệ 95,28%; Hệ GDTX đạt tỷ lệ 73,07%; Trường CĐSP Đà Lạt đạt tỷ lệ 59,75%.
Ngày 24/1/2022, Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải đã ký văn bản hướng dẫn triển khai dạy học trực tiếp học kỳ II năm học 2021-2022 trong toàn ngành, từ cấp mầm non đến cấp THPT kể từ ngày 7/2/2022. “Chú ý tuân thủ nghiêm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của ngành Y tế. Khi xuất hiện các ca F0 các đơn vị, trường học chủ động phối hợp với cơ quan Y tế địa phương đánh giá tình hình đồng thời báo cáo về Sở GDĐT (đối với các đơn vị trực thuộc Sở) hoặc về Phòng GDĐT các huyện, thành phố (đối với các đơn vị trực thuộc phòng GDĐT) để được chỉ đạo chuyển đổi phương án dạy học phù hợp”, văn bản nêu.
Với sự chủ động phối hợp giữa ngành GDĐT và ngành Y tế, giữa các địa phương với ngành GDĐT; sự năng động, sáng tạo và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ chương trình năm học của Bộ GDĐT, hi vọng kết thúc năm học 2021-2022, Lâm Đồng tiếp tục giữ vững và đạt cao hơn những thành tích so với năm học 2020-2021. Trong đó, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học toàn tỉnh đạt tỷ lệ 98,86%; số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 99,99%; số học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện đạt tỷ lệ 30%; số học sinh được khen từng mặt và học sinh tiêu biểu đạt tỷ lệ 23,4%. Cùng đó, kết quả xếp loại học sinh Trung bình trở lên đạt 97,54% ở THCS và 97,5% ở THPT. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,64%.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin