Khó khăn của giáo dục mầm non ngoài công lập

06:01, 14/01/2022
Do tác động của dịch COVID-19, giáo dục mầm non (GDMN) nói chung, đặc biệt hệ thống các cơ sở, trường học mầm non ngoài công lập nói riêng càng rất khó khăn.
 
Trường Mầm non Hiển Linh chỉ có 17% học sinh đến trường học.
Trường Mầm non Hiển Linh chỉ có 17% học sinh đến trường học.
 
TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI TOÀN NGÀNH
 
Mặc dù đến tuần thứ 2, tháng 1/2022, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh nhưng báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, toàn ngành GDMN của tỉnh mới có tỷ lệ hơn 39,8% số trẻ em, học sinh đến trường (23.409/58.793 trẻ, học sinh); có 26 trẻ đang thuộc diện F0, 604 trẻ đang thuộc diện F1. Riêng huyện Đạ Huoai và Đơn Dương, 100% trường mầm non vẫn chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp. 
 
Trước đó, cũng theo Sở GDĐT Lâm Đồng, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với GDMN tính từ ngày 27/4/2021 đến ngày 13/12/2021: Số cơ sở GDMN bị ảnh hưởng là 231 trường và 411 nhóm lớp độc lập tư thục. Tổng số cơ sở GDMN dạy trực tiếp vào thời điểm tháng 12/2021 là 74 trường, nhóm lớp độc lập tư thục. Trong đó, có 64 trường mầm non tổ chức bán trú tại trường. Bên cạnh đó, số người nhiễm COVID-19 gồm: 78 trẻ (33 trẻ đã khỏi bệnh, 45 trẻ đang được điều trị tại các khu cách ly); 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên (11 người đã khỏi bệnh, 7 người đang được điều trị tại các khu cách ly).
 
Theo ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng, tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở nhiều mặt; trong đó, việc thực hiện kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi...
 
MẦM NON NGOÀI CÔNG LẬP CÀNG KHÓ
 
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập rõ nhất là giáo viên, nhân viên (GV, NV) hầu như không có bất cứ khoản thu nhập nào trong thời gian dài nghỉ dạy và làm việc. Vì vậy, hầu hết họ phải tự trang trải cuộc sống bằng cách tìm công việc khác. Hệ thống GDMN ngoài công lập phải đóng cửa trường, cơ sở trong thời gian dài nên không thu được học phí. 
 
Qua tìm hiểu một số đơn vị GDMN để hiểu rõ hơn thực trạng chúng tôi được biết, tại Trường Mầm non Thăng Long, Đà Lạt chỉ tổ chức dạy học 1 tuần tháng 5/2021 và sau đó nghỉ đến hôm nay. Nhà trường không dám cho học sinh đi học lại vì theo Hiệu trưởng Trần Thị Thảo Nguyên, hiện đã cận kề Tết Nguyên đán nên thời gian đi học quá ngắn và khảo sát phụ huynh chỉ có hơn 10% cho con đi học, nhiều phụ huynh muốn qua tết mới cho con đi học lại. Vì vậy, thời điểm này, số lượng học sinh đi học không đảm bảo đủ để thành lập theo lớp, còn nếu gom lớp thì bỏ ai (GV, NV) giữ ai. Trường có quy mô 15 lớp với trên 500 học sinh và 45 cán bộ, GV, NV, trong đó 30 giáo viên. Vả lại, “nếu nhà trường tổ chức dạy học lại, chẳng may có trường hợp F0 thì họ lại phải tiếp tục nghỉ, công việc mới đang làm của họ lại mất, càng khó khăn những ngày tết”, Sơ Nguyên nói. Tình hình qua tết, nếu tổ chức dạy lại sẽ có giáo viên nghỉ dạy vì hiện họ đã có công việc mới và đã làm đơn xin nhà trường nghỉ rồi. Mặc dù đội ngũ nhà trường cơ bản tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nên được hưởng trợ cấp theo chính sách của Nhà nước về hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19, song trước khi triển khai chính sách, gần 10 giáo viên đã xin nghỉ việc và làm hồ sơ thất nghiệp, do đó chỉ hưởng chi trả thất nghiệp, còn chính sách hỗ trợ không giải quyết. 
 
Tại Trường Mầm non tư thục Vàng Anh, huyện Đức Trọng, quy mô có 5 lớp với 125 học sinh, 16 cán bộ, GV, NV. Chủ cơ sở là cô giáo Lương Thị Nguyệt Loan cho biết: Học sinh đến trường hiện chỉ có 30 bé, do đó, 10 GV, NV phải nghỉ việc từ tháng 5/2021 đến nay. Trường Vàng Anh cố gắng tìm nguồn hỗ trợ, giúp đỡ mỗi người 1 tháng lương nhưng họ vẫn rất khó khăn. “Nhà trường gặp nhiều khó khăn về tài chính, mất nguồn thu để chi trả lương cho đội ngũ lại còn phải bỏ chi phí để bảo dưỡng cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học. Đa số giáo viên của trường có trên 10 năm gắn bó với nghề dạy học mầm non, giờ phải nghỉ việc và cũng không biết thời gian nào được trở lại trường. Họ rất buồn, còn nhà trường đang lo thiếu hụt nhân sự trong năm học này”, cô giáo Lương Thị Nguyệt Loan chia sẻ. 
 
Không như Trường Mầm non Thăng Long, tại Trường Mầm non Hiển Linh, Đà Lạt càng khó khăn vì nhiều cá nhân GV, NV tự đề nghị không tham gia BHXH và nhận luôn khoản tiền phần trăm đóng bảo hiểm của bên sử dụng lao động để hàng tháng được một khoản tiền lớn hơn, trang trải cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, theo quy định, họ không được nhận hỗ trợ ảnh hưởng do dịch COVID-19 từ chính sách Nhà nước trong 2 đợt gần 5 triệu đồng/người vừa qua. Trường có quy mô hơn 500 bé và 40 cán bộ, GV, NV. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiển Linh Nguyễn Thị Thanh cho biết, tuần trước, toàn trường có 100 bé đến học, tuần này vì có một giáo viên F0 nên phải cho dừng học một lớp, chỉ còn 85 bé. Hiện, bố trí 17 GV, NV, vừa phục vụ 85 bé vừa tạo điều kiện cho họ đến trường bằng việc chỉnh trang cơ sở trường... 
 
Chúng tôi khép lại bài viết này bằng tâm tư chung của đội ngũ những người trực tiếp thực hiện GDMN. Họ yêu nghề, nhưng nghề không giữ được chân họ do tác động và ảnh hưởng của dịch COVID -19. Nguyện vọng của họ cũng nhận được chia sẻ từ người đại diện ngành GDĐT Lâm Đồng. Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long đề xuất Chính phủ cần có gói hỗ trợ riêng dành cho GV, NV làm việc trong ngành Giáo dục. 
 
MINH ĐẠO