Lâm Đồng và hành trình hướng đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh (Bài 2)

06:01, 26/01/2022
Bài 2: Nỗ lực hướng đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh
 
Tốc độ phát triển kinh tế tại các đô thị của tỉnh Lâm Đồng hiện đang được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; qua đó, diện mạo đô thị và nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, quá trình phát triển chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của từng địa phương.
 
Một góc đô thị Bảo Lộc nhìn từ trên cao.
Một góc đô thị Bảo Lộc nhìn từ trên cao.
 
•  CÓ LỢI THẾ VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
 
Tỉnh Lâm Đồng có những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và văn hóa, xã hội, tạo ra những tiền đề tốt cho nền kinh tế xanh, trong đó có nhiều thuận lợi, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, những đặc thù về địa hình, khí hậu và tài nguyên các hệ sinh thái là thế mạnh về vốn tự nhiên phục vụ phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và văn hóa.
 
Tỷ lệ thất thoát nước sạch, tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên còn cao. Số đơn vị hành chính cấp phường, xã chịu thiệt hại trực tiếp do biến đổi khí hậu ít. Tỷ lệ chất thải rắn, nước thải sinh hoạt được thu gom vận chuyển về cơ bản đạt yêu cầu đề ra, tuy nhiên tỷ lệ xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thấp. Tỷ lệ giao thông đô thị sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo để chiếu sáng thấp, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng thấp. Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị đạt chuẩn cao so với bình quân cả nước. 
 
Ở Lâm Đồng, không có hiện tượng diện tích mặt nước tự nhiên trong khu vực đô thị suy giảm. Đa phần cư dân đô thị được hưởng dịch vụ cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, số lượng không gian công cộng ở một số đô thị còn thấp so với yêu cầu. 
 
Mặc dù có những thuận lợi, nhưng cũng có không ít những khó khăn, thách thức như hệ thống thể chế chính sách chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới đô thị tăng trưởng xanh; hạn chế về mặt nguồn lực như tài chính hạn hẹp, năng lực cán bộ còn hạn chế, nhất là trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, khoa học bền vững và tăng trưởng xanh.
 
Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng cho thấy còn nhiều hạn chế. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị và nông thôn chưa được phân loại tại nguồn; chất thải rắn vẫn chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp, chất thải nguy hại chưa được quản lý tốt; nhiều loại chất thải rác thải trong sản xuất nông nghiệp và chất thải y tế nguy hại chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Hệ thống bãi rác chưa được đầu tư xây dựng khu chôn lấp hợp vệ sinh, gây khó khăn trong quản lý rác thải. 
 
 
Đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu là đô thị trong đó mọi chỉ tiêu phát triển đều hướng đến giảm sự phát thải, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả. Đô thị được vận hành hiệu quả nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ thông tin, người dân được thụ hưởng các tiện ích thông minh. Mục đích cuối cùng của chiến lược xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến xây dựng một đô thị phát triển bền vững và đáng sống. 
 
 
•  TIẾP TỤC ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐÔ THỊ 
 
Sau quá trình triển khai phát triển đô thị tăng trưởng xanh tại Lâm Đồng, thực trạng cho thấy nhận thức và năng lực thực hiện chưa cao và không đồng đều. Lối sống và mô hình tiêu dùng của một bộ phận người dân còn lãng phí, hủy hoại tài nguyên, không thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.
 
Trên cơ sở kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh được phê duyệt tại Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian cần chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây phải được coi là nhiệm vụ không thể tách rời trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong đó gồm 4 hành động ưu tiên: Đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, các chương trình phát triển đô thị; lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; tham mưu lồng ghép phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện. 
 
Song song đó, chú trọng lập kế hoạch đầu tư phát triển đô thị tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng xanh, đặc biệt là giao thông xanh. Trước mắt, cần hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch, xây dựng các tuyến đường đi bộ, đi xe đạp tại khu vực trung tâm đô thị gắn với phát triển kinh tế đêm, nhất là tại thành phố Đà Lạt. 
 
Về cấp nước, tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cấp, cải tạo công trình đầu mối cấp nước và hệ thống mạng đường ống, triển khai dự án xây dựng hệ thống cấp nước và chống thất thoát nước, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ công trình cấp nước. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các đô thị Bảo Lộc, Đức Trọng, Di Linh. 
 
Đặc biệt, tại Đà Lạt, thời gian tới sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tại các địa phương còn lại cũng sẽ nghiên cứu triển khai lập kế hoạch công tác ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các khu dân cư mới, khu đô thị mới, khu chức năng đặc thù, các dự án giao thông mới, các công trình nâng cấp cải tạo, chỉnh trang đô thị.
 
Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện một số nội dung tham mưu cơ chế khuyến khích các dự án phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường. Trong công tác thẩm định dự án, ngoài việc dự báo dân số, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cũng cần phải chú trọng yếu tố đảm bào bảo vệ sinh thái môi trường, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu; tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên đầu tư và phát triển các đô thị trung tâm vùng kinh tế động lực làm khâu đột phá, có sức lan tỏa lớn tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, kích thích phát triển đô thị từng vùng. Kết hợp, lồng ghép chương trình phát triển đô thị với các mục tiêu, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển làng đô thị xanh, đô thị sinh thái thông minh của tỉnh.
 
NGUYỄN NGHĨA