Tại rất nhiều quốc gia phát triển, việc tìm hiểu và phát triển các phương pháp giáo dục đã và đang diễn ra mạnh mẽ, ưu thế được lựa chọn trong những năm gần đây là phương pháp dạy học thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo, khả năng vận dụng lý thuyết đã học trong sách giáo khoa qua con đường trải nghiệm, tích hợp nhiều lĩnh vực. Sự ra đời của không gian sáng tạo Phố Bên Đồi ở Đà Lạt với chương trình giáo dục STEAM đi theo hướng này đang thổi thêm một làn gió mới vào môi trường giáo dục, không chỉ nhận được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh, phương pháp này còn được đánh giá là phù hợp, cần thiết với học sinh trong kỷ nguyên số.
|
Các bé độ tuổi lớp 1 tìm hiểu cách phân biệt quả trứng chín và trứng sống |
•
TRUYỀN CẢM HỨNG
Anh Hiền Nguyễn, nhà sáng lập Phố Bên Đồi là một người con của Đà Lạt. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và có thời gian dài làm việc trong môi trường liên quan đến thiết kế sáng tạo, lại có cơ hội đi nhiều nước, nên khao khát lớn nhất của anh đó là chung tay thúc đẩy Đà Lạt phát triển hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo tồn, hiện tại và tương lai. STEAM được anh dày công tìm hiểu và phối hợp với Tổ chức STEMAX TP Hồ Chí Minh đưa về Đà Lạt cũng trên nền móng quan điểm đó và được anh phát triển thêm một bước, đó là đưa thêm yếu tố nghệ thuật vào để từ STEM trở thành “STEAM” (science - Technology - Engineering - Art - Math) bởi những yếu tố đặc trưng về văn hóa nghệ thuật của thành phố Đà Lạt. Đây là phương thức học tập mà trong đó học sinh sẽ phát triển các năng lực khoa học kỹ thuật và nghệ thuật thông qua các dự án học tập, trải nghiệm thực tế.
Thông qua hình thức giáo dục STEAM, học sinh cũng có thể phát triển năng lực giải quyết vấn đề, trí thông minh cảm xúc, sự sáng tạo và các năng lực nghề nghiệp khác trong tương lai.
“Học dựa vào khám phá chính bản thân mình” - anh Phạm Nguyễn Hoàng Thịnh, Giám đốc Tổ chức STEMAX TP Hồ Chí Minh khái quát phương pháp này đơn giản như vậy. Không như giảng dạy khoa học của ngày hôm qua, tách bạch giữa thế giới khoa học với kỹ thuật, với giáo dục khoa học STEAM hôm nay, công nghệ, toán học, hay cả nghệ thuật không thể là những môn học độc lập mà tất cả phải quyện vào nhau, để rồi học sinh sẽ có một cái nhìn tổng hợp trong cuộc sống, trong nghề nghiệp, trong sáng tạo, nuôi dưỡng tư duy và cảm xúc tìm ra tính logic của khoa học đến kỹ thuật, công nghệ, cảm xúc. Bởi vì óc tò mò khám phá thế giới xung quanh, sự ham hiểu biết là một phẩm chất có thể nuôi dưỡng và phát triển thông qua giáo dục.
|
Khám phá sự kỳ diệu của quả cầu phát sáng |
Anh Thịnh giải thích rằng, phương pháp này bao gồm một quá trình mà người thầy và các học sinh cùng trải nghiệm: đặt câu hỏi (dựa trên óc tò mò), thực hiện khảo sát (thực tế), thu nhận kết quả (nhận xét cá nhân), thảo luận kết quả (tìm câu trả lời) và rút ra kết luận (hình thành nhận thức). Trong quá trình trưởng thành của mình, học sinh là những diễn viên chính và người thầy sẽ chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, không phải là người đạo diễn. Không có sự tham gia, giao tiếp, tranh luận, thảo luận thì tư duy bậc cao sẽ khó phát triển, khó hình thành tư duy phản biện, một hình thức tư duy của con người. Một đặc trưng của giáo dục STEAM ở bậc phổ thông là luôn khuyến khích học sinh sử dụng kiến thức tích hợp của các môn để tìm hiểu và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề ở ngay nơi mình sống.
Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kỷ nguyên của công nghệ số. Rõ ràng, các công dân của kỷ nguyên số nếu không được thúc đẩy để bộc lộ khả năng sáng tạo thì sẽ là thiệt thòi rất lớn không chỉ cho cá nhân học sinh mà cho cả sự phát triển của đất nước. Nói đến đây, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng đây là vấn đề của quốc gia, tầm vĩ mô, tuy nhiên nếu vấn đề giáo dục không được nhìn nhận và thay đổi từ cấp độ thấp nhất từ gia đình đến nhà trường và tầm địa phương thì cũng sẽ không thể tạo ra sự thay đổi ở cấp độ quốc gia.
•
“CON MUỐN HỌC NỮA!”
Lớp học STEAM ở không gian sáng tạo Phố Bên Đồi hiện tại chỉ là mới được tổ chức ngoại khóa vào cuối tuần. Tuy nhiên, lại vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn học sinh nhiều lứa tuổi. Ở đây, những món đồ chơi hay dụng cụ thủ công hoàn toàn có thể dạy cho các em học sinh rất nhiều kiến thức khoa học, đồng thời giúp các em dễ dàng tìm ra mối liên hệ giữa kiến thức với các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
|
Học sinh khám phá và quan sát không gian từ mô hình |
Chị Minh Hạnh chia sẻ câu chuyện của con mình với tôi trong niềm vui và sự phấn khởi mặc dù chị đã phải ngồi đọc sách chờ con suốt 5 tiếng đồng hồ. Chị kể, chị biết đến lớp học STEAM thông qua một đồng nghiệp và đã đăng ký cho con tham gia với mong muốn cậu con trai được trải nghiệm và khám phá bản thân. Lớp của con chị Hạnh được học cách tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra cho một giả thuyết hay một câu hỏi tò mò nào đó. Khoa học vốn có những trình tự chặt chẽ, tưởng chừng vô cùng khó hiểu đối với các em nhỏ, nhưng thông qua các trò chơi, các bước thực hành phương pháp khoa học được đơn giản hóa tối đa, các cô bé, cậu bé trong lớp của con chị cảm nhận khoa học rất gần gũi và rõ ràng. Điều thú vị là các em được phép nói tất cả những gì các em nghĩ, giáo viên không buộc các em chỉ nói những gì được học. Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên, các em được chơi, thực hành, quan sát, thảo luận rồi đưa ra chính kiến của mình. Khi được thông báo lớp kết thúc và đến lúc các em phải về nhà thì con của chị Hạnh lại lao sang khu vực trưng bày các sản phẩm sáng tạo của các bạn, các anh chị và bảo “con muốn học nữa”. Nhìn gương mặt hớn hở của các em, chắc cha mẹ nào cũng mong muốn mỗi tiết học của con mình khi kết thúc được hiển hiện rõ sự yêu thích và say mê như thế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đưa giáo dục STEAM tới được rộng rãi với các em, để khơi dậy và kích thích khả năng sáng tạo của các em...
•
VÌ THÀNH PHỐ VĂN HÓA, GIÁO DỤC, NGHỆ THUẬT
“Cảm xúc của các em và sự hài lòng của phụ huynh cho thấy việc dạy học trong giai đoạn hiện nay cần hướng đến cảm xúc của học sinh và giúp học sinh tìm thấy niềm vui trong quá trình học tập. Việc dạy học không còn là dạy cho các em nhớ thông tin hay công thức nữa, mà phải cho các em thấy được sự gắn kết giữa các kiến thức khoa học với cuộc sống và ở đó luôn chứa đựng sự bất ngờ, thú vị. Một khi đã yêu thích môn học nào đó, các em sẽ tự học và chủ động sáng tạo thêm nhiều kiến thức mới. Đó cũng chính là mục tiêu mà STEAM muốn mang đến cho các em” - anh Hiền Nguyễn chia sẻ.
|
Học sinh và phụ huynh tìm hiểu mô hình của dự án Protect the Eggs |
Việc phát triển kỹ năng là một quá trình dài cần được rèn giũa, đào tạo sớm và liên tục. Giáo dục STEAM không phải là gì đó quá cao siêu. Giáo dục STEAM theo nghĩa rộng là một định hướng dạy học mang tính thực hành và gắn liền với thực tiễn cuộc sống chứ không đơn thuần là hướng dẫn cách làm những thí nghiệm. Tiến hành một thí nghiệm thì dễ nhưng giúp học sinh hiểu bản chất của thí nghiệm và liên kết được thí nghiệm với các ứng dụng trong cuộc sống lại không hề đơn giản; việc xây dựng một định hướng dạy và học mới trong nhà trường cũng như vậy, vô cùng thách thức. Và làm thế nào để STEAM tiến dần vào học đường cũng là điều phụ huynh và giáo viên mong đợi.
Đất nước hay cụ thể hơn nữa là một địa phương muốn vươn lên chỉ có thể dựa vào tri thức và sức sáng tạo. Một quốc gia chỉ có thể mạnh nếu khơi dậy được khát vọng và sự sáng tạo, nâng cao dân trí, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ. Không chỉ anh Hiền mà rất nhiều phụ huynh mong muốn rằng, đường đi của giáo dục STEAM ở Đà Lạt sẽ không chỉ dừng lại ở một phía đơn độc và gói hẹp ở không gian sáng tạo Phố Bên Đồi bằng các khóa học ngoại khóa, mà sẽ nhận được sự quan tâm của ngành giáo dục để phương pháp giáo dục STEAM có thể phát triển theo hướng từ trên xuống.
Đà Lạt đã từng là một đô thị quan trọng không chỉ để nghỉ dưỡng, du lịch mà còn về cả phương diện văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Quy hoạch và định hướng phát triển tương lai của Đà Lạt cũng hướng đến xây dựng thành phố trở thành thành phố du lịch và giáo dục tầm quốc gia, khu vực. Các hoạt động ở không gian sáng tạo Phố Bên Đồi cũng đang nhằm đóng góp vào xây dựng thành phố như thế.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin