(LĐ online) - Chiều 17/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động toàn ngành năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện trong năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Hôi nghi đánh giá trong năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động trên thị trường nông sản, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng đã kịp thời triển khai các giải pháp duy trì, chuyển đổi sản xuất, hỗ trợ lưu thông tiêu thụ, tạo sự ổn định cơ bản trong sản xuất, kết quả đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng khá so cùng kỳ.
Cụ thể, toàn ngành đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 4,8%, tương ứng với tổng giá trị gần 19.000 tỷ đồng. Cơ cấu nội bộ ngành gồm trồng trọt 80,2%; chăn nuôi 17,6%; dịch vụ 2,2%. Giá trị sản xuất bình quân đạt 201 triệu đồng/ha, tăng 5,3% so với năm 2020. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 63.108 ha, tương ứng với 21% tổng diện tích canh tác.
Trong năm 2021, toàn ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi, cải tạo gần 10.610 ha sản xuất kém hiệu quả, đưa diện tích có giá trị thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/ còn khoảng 49.497 ha. Phát triển 82 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, thu hút 18.386 hộ tham gia, tăng 17 chuỗi so với năm 2020. Tổng số hợp tác xã toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 367 hợp tác xã; trong đó, phát triển mới 45 hợp tác xã. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động nguồn nước tưới đạt 136.736 ha, chiếm tỷ lệ 66% diện tích cần tưới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị |
Lũy kế cả năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đạt và vượt 9/10 chỉ tiêu, vẫn còn 1 chỉ tiêu chưa đạt. Ngành vẫn còn thiếu các giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản ổn định, phát triển liên kết bền vững. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu nông sản Lâm Đồng giảm mạnh so với năm 2020. Nguồn giống rau, hoa phần lớn nhập khẩu. Trình độ sản xuất chênh lệch lớn giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với trình độ canh tác chung toàn tỉnh…
Hội nghị xác định các mục tiêu phấn đấu đạt được trong năm 2022 với tốc độ tăng GRDP toàn ngành đạt 4,9 - 5,3%, diện tích gieo trồng hàng năm đạt 392.000 ha, giá trị thu nhập bình quân đạt 206 triệu đồng/ha/năm. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao tăng thêm 1.700 ha, trong đó gồm 450 ha diện tích nông nghiệp thông minh. Tổng sản lượng nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 600.000 tấn. Phát triển ít nhất 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm xếp hạng OCOP quốc gia…
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2022 đối với toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng tập trung các giải pháp cơ cấu lại ngành; chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy chế biến lưu thông, tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới và trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ghi nhận và biểu dương những kết quả, chỉ tiêu toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã nỗ lực đạt được trong năm 2021. Về nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ đạo toàn ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản nhằm tăng sản lượng xuất khẩu. Trong năm 2022 toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần tổng kết thực hiện Đề án khôi phục và phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ, Đề án liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, qua đó đánh giá, tiếp tục xác định các giải pháp khả thi trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, trong năm 2022, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần tiếp tục rà soát diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha để chủ động triển khai chuyển đổi cơ cấu phù hợp, hiệu quả hơn…
VĂN VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin