Công điện của Thủ tướng nêu rõ các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế; Người dân về quê nhân dịp Tết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; 14 tỉnh, thành có F0 nhiễm Omicron.
|
Các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế Ảnh minh hoạ |
Các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện 774/CĐ-VPCP ngày 30/1/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong số đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau: Các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế. Yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm chế độ trực Tết; bảo đảm đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh cho người dân trong dịp Tết.
Các địa phương tập trung chỉ đạo chăm lo đời sống, bảo đảm mọi người dân, mọi gia đình đều được vui Xuân, đón Tết; thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn đúng đối tượng, chế độ quy định…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết của Nhân dân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, niêm yết giá, không để xảy ra việc lợi dụng dịp Tết để tăng giá, tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.263.053 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.929 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.256.071 ca, trong đó có 2.014.798 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (513.726), Bình Dương (292.858), Hà Nội (128.790), Đồng Nai (99.881), Tây Ninh (88.068).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.017.615 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.840 ca, trong đó:Thở ô xy qua mặt nạ: 2.651 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 543 ca; Thở máy không xâm lấn: 148 ca; Thở máy xâm lấn: 479 ca; ECMO: 19 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 136 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.668 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.183.057 mẫu tương đương 77.167.650 lượt người, tăng 22.337 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 181.118.415 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.055.543 liều, tiêm mũi 2 là 74.122.204 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 27.940.668 liều.
Người dân về quê nhân dịp Tết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 184 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1)
Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định.
Tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 theo tinh thần làm xuyên Tết, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phấn đấu trong quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, bảo đảm tiêm hết cho người cao tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân lao động trong các khu công nghiệp cho những người có đủ điều kiện tiêm chủng.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đi/đến các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến chủng mới; chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Chuẩn bị đủ các vật tư thiết bị y tế và đặc biệt là dự trữ oxy phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 31/1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 375.007.587 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.680.947 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.059.408 và 5.514 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 296.234.566 người, 73.092.074 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 94.665 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca mắc mới với 249.448 ca; Ấn Độ đứng thứ hai với 173.162 ca; tiếp theo là Nga (121.228 ca). Ấn Độ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 892 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Nga (617 ca) và Mexico (522 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 75.551.639 người, trong đó có 907.068 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 41.265.684 ca nhiễm, bao gồm 495.002 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 25.348.797 ca bệnh và 626.854 ca tử vong. Ca nhiễm mới tại Brazil đang tăng mạnh khi nước này trên đường trở lại là một điểm nóng lây nhiễm ở Mỹ Latinh.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 124,6 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 99,7 triệu ca mắc. Bắc Mỹ ghi nhận trên 88,49 triệu ca, Nam Mỹ là trên 48,37 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,79 triệu ca và châu Đại Dương trên 2,46 triệu ca mắc.
Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 62.394 ca mắc mới COVID-19 và 250 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 16.585.743 trường hợp, và 313.801 ca tử vong. Toàn khối có 15.487.886 bệnh nhân đã bình phục.
|
(Theo suckhoedoisong.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin