Sở Y tế Lâm Đồng đang trong nhóm xuất sắc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Bắt đầu triển khai thực hiện số hóa kết quả TTHC lĩnh vực y tế từ tháng 11/2021 và đã số hóa cho 1.242 hồ sơ còn hiệu lực của thời gian trước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và công tác chuyên môn, ngay trong quý 1/2022, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Lâm Đồng phải hoàn thành việc thực hiện chữ ký số trên văn bản điện tử đạt trên 80%.
|
Ngành Y tế đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. |
• THÔNG SUỐT, KỊP THỜI, HIỆU QUẢ, GIẢM CHI PHÍ VỀ THỜI GIAN, VẬT CHẤT
Năm 2021, Sở Y tế đã tiến hành rà soát TTHC trình UBND tỉnh công bố danh mục TTHC chuẩn hóa lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó rà soát, đơn giản hóa 5 TTHC thuộc lĩnh vực dược phẩm, giảm bớt thành phần hồ sơ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đẩy mạnh thực hiện TTHC mức độ 3, 4 với 42/129 TTHC đạt 32,5%. Tỉ lệ nhận hồ sơ trực tuyến đạt 87,8% với 1.454/1.658 hồ sơ. Kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực y tế năm 2021 có 1.393 hồ sơ; trong đó, 1.373 hồ sơ trả trước hạn và 20 hồ sơ trả đúng hạn.
Duy trì và thực hiện hiệu quả hệ thống eGov do tỉnh triển khai tại Sở Y tế tỉnh và đến các đơn vị trong ngành với 620 tài khoản sử dụng. Sở Y tế tỉnh đã thực hiện chữ ký số trên văn bản điện tử đạt trên 95%. Hệ thống xử lý văn bản của ngành hiện thông suốt, kịp thời, giảm chi phí về thời gian, vật chất, đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh và là 20/23 (đạt 87%) các đơn vị trực thuộc có cổng, trang thông tin điện tử cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin theo quy định. Có 100% (18/18) bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trực thuộc Sở Y tế có hệ thống phát số, đăng ký KCB. 100% đơn vị KCB có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện và 100% cơ sở KCB đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, triển khai thanh toán qua thẻ ngân hàng nội địa, quốc tế thông qua máy POS liên kết với ngân hàng.
Phối hợp nghiên cứu quy trình phần mềm giám sát dịch; hỗ trợ UBND các huyện, thành phố lấy dữ liệu người khai báo y tế về địa bàn qua đầu mối các phòng y tế. Đôn đốc các đơn vị nhập liệu thông tin lên hệ thống quản lý tiêm chủng COVID -19. Phối hợp thực hiện công việc của tiểu ban ứng dụng CNTT thuộc Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID -19 của tỉnh. Hoàn thiện 99% dữ liệu tiêm chủng COVID-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 12/2021, hơn 2,3 triệu mũi tiêm của người dân đã được cập nhật trên hệ thống thông tin tiêm chủng COVID-19. Đến tháng 12/2021, toàn tỉnh thực hiện được 856.085 hồ sơ sức khỏe, đạt tỷ lệ 74%. Hoàn thành đầu tư hệ thống cầu trực tuyến phục vụ cho việc chỉ đạo tuyến và KCB từ xa của ngành Y tế Lâm Đồng.
Hiện, Sở Y tế tỉnh đang điều tra kết quả chỉ số hài lòng năm 2021, nhìn vào kết quả điều tra xã hội học năm 2020 đạt 30,7/35 điểm, xếp vị trí thứ 16/20 sở, ngành cấp tỉnh. Đánh giá trong thời gian qua, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) đã được lãnh đạo Sở Y tế và thủ trưởng các đơn vị trong ngành quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB.
Một số đơn vị nổi bật trong việc thực hiện công tác CCHC như: Trung tâm Y tế Di Linh đã xây dựng các tiêu chí chấm điểm cho các khoa, phòng, trạm y tế xã, thực hiện việc đánh giá theo quý, đưa vào xếp loại thi đua. Trung tâm Y tế Lâm Hà, Trung tâm Y tế Bảo Lâm quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và chuyên môn. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế Đơn Dương, Trung tâm Y tế Cát Tiên có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp từ đó nâng cao chất lượng KCB. Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng luôn được biểu dương về thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế, luôn đi đầu trong phong trào xây dựng bệnh viện xanh, sạch đẹp.
|
Ứng dụng CNTT trong giám sát kiểm soát phòng dịch Covid-19 tại các chốt trên địa bàn tỉnh. |
• MỤC TIÊU CHUYỂN ĐỔI SỐ Y TẾ TRONG NĂM 2022
Bà Lưu Minh Nguyệt - Chánh Văn phòng Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Sở đã đề xuất các nội dung lớn cần giải quyết để thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế theo Văn bản số 1290/STTTT-CNTT ngày 31/12/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông. Đó là xây dựng giải pháp tích hợp dữ liệu khám, chữa bệnh tập trung, giải quyết nhu cầu khai thác dữ liệu, thống kê số liệu theo thời gian thực. Đáp ứng được các biểu mẫu báo cáo định kỳ đối với công tác khám, chữa bệnh, rút ngắn quá trình thực hiện đối với công tác thống kê y tế, phục vụ mục tiêu quản lý vĩ mô, nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý chuyên môn nghiệp vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tích hợp quản lý giám sát tập trung các dịch bệnh, tích hợp dữ liệu vào dữ liệu quản lý chung ngành Y tế. Nghiên cứu tích hợp dữ liệu chuyên ngành Dân số, Pháp Y, Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, An toàn vệ sinh thực phẩm vào dữ liệu quản lý tập trung ngành Y tế.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, nâng chỉ số CCHC ngành Y tế. Đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch CCHC và tổ chức thực hiện đầy đủ kế hoạch đề ra; xây dựng khung kế hoạch CCHC cụ thể, phân công nhiệm vụ phù hợp với tình hình của đơn vị, có thời gian, lộ trình và đánh giá kết quả thực hiện. Thực hiện tốt việc rà soát, chuẩn hóa các TTHC mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết để công bố, công khai và thực hiện theo đúng quy định hoàn thành đạt 100% theo mức kế hoạch đã đề ra; đẩy mạnh tổ chức giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao tính công khai minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Giảm số ngày từ 10 đến 15 ngày cho mỗi TTHC lĩnh vực y tế. Xây dựng đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế và các dịch vụ tiện ích lĩnh vực y tế
Cải thiện chỉ số PAPI - Dịch vụ y tế công. Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương; giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn. Từ năm 2018, chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Hệ thống y tế thuộc lĩnh vực thứ 6 cung ứng dịch vụ công, tiêu chí dịch vụ y tế công. Lĩnh vực y tế công của tỉnh Lâm Đồng năm 2019 xếp vị trí 59/63, năm 2020 xếp vị trí 63/63.
Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ vận hành tối ưu hoạt động của bộ máy, như các chỉ tiêu về việc trao đổi văn bản điện tử qua mạng; xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý cán bộ, tài chính - kế toán, hoạt động kiểm tra, giám sát trên môi trường số… Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, duy trì và thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống văn bản điện tử và điều hành eGov trong toàn ngành.
Xây dựng hạ tầng CNTT phục vụ đề án KCB từ xa. Triển khai hệ thống cầu trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo tuyến và triển khai đề án KCB từ xa trong toàn ngành. Năm 2022 các cơ sở y tế trực thuộc triển khai hoạt động KCB từ xa, tuyến dưới với tuyến trên giữa các đơn vị trong ngành và với tuyến Trung ương theo kế hoạch đề án KCB từ xa của Bộ Y tế, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giúp hỗ trợ người bệnh và đội ngũ y tế cơ sở tiếp xúc đội ngũ y, bác sĩ tuyến trên, tiếp cận trang thiết bị chuyên sâu, hiện đại một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Nền tảng chuyển đổi số y tế tiếp tục duy trì và hoàn thiện cơ sở dữ liệu KCB, tiến tới sử dụng bệnh án điện tử không dùng bệnh án giấy kết hợp thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng tại Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 và Quyết định 5316/QĐ-BYT ngày 22/10/2020 về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, làm nền tảng triển khai đề án ứng dụng và phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025 theo Quyết định 4888/QĐ-BYT. Năm 2022, thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân đạt tỷ lệ trên 80% tạo lập và trên 50% hồ sơ được quản lý thông tin dữ liệu, 100% trẻ em sinh ra phải được tạo lập hồ sơ sức khỏe đầy đủ thông tin. Mỗi đơn vị chủ động thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt thông qua tuyên truyền, có những giải pháp để người bệnh chủ động tham gia thanh toán viện phí không dùng tiền mặt khi đến các cơ sở y tế. Trong phòng, chống dịch bệnh: Triển khai ứng dụng CNTT trong việc cập nhật, quản lý thông tin người mắc COVID-19 tại nhà. Tiếp tục duy trì triển khai hệ thống thông tin duy nhất PC-COVID để quản lý thông tin COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19, tích hợp thông tin xét nghiệm của người dân.
Đảm bảo 100% TTHC phát sinh trong năm 2022 phải được số hoá và thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực tăng tối thiểu 30% mỗi năm. Tối thiểu 30% cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó) mà Sở Y tế giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan Nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu.
Đảm bảo an toàn thông tin với tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ. Tỷ lệ người đứng đầu của các đơn vị trong ngành Y tế được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin năm 2022 đạt 100%.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin