Đà Lạt đang nỗ lực vận động công dân sử dụng dịch vụ công giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
|
Trung tâm Điều hành thông minh của thành phố Đà Lạt |
•
CHO MỤC TIÊU “THÀNH PHỐ THÔNG MINH”
Thành phố thông minh là mục tiêu được Đà Lạt hướng đến lâu nay, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch bùng phát hiện nay, thành phố càng thúc đẩy nhanh hơn tiến trình này.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, gắn với Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025 chính là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Cho đến nay, Đà Lạt đã tăng cường sử dụng hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử công vụ, các phần mềm ứng dụng quản lý văn bản, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; quản lý xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, trật tự xây dựng; phần mềm cấp phép xây dựng... vào hoạt động của các cơ quan hành chính.
Bộ phận Một cửa tại UBND thành phố và tại các phường, xã được yêu cầu sử dụng chữ ký số trong phát hành văn bản điện tử đi và đến, không gửi kèm bản giấy khi không cần thiết. Thành phố cũng tích hợp Trung tâm Điều hành thông minh (Trung tâm IOC) với hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ an ninh trật tự công cộng, y tế, giáo dục, du lịch đến quản lý sử dụng đất đai; tăng cường tính tương tác, giao tiếp phục vụ công dân, kết nối hiển thị các ứng dụng trên thiết bị di động tại Trung tâm giám sát như ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch Đà Lạt, Giáo dục, Du lịch, Việc làm Lâm Đồng… nhằm đảm bảo tính minh bạch. Đà Lạt đôn đốc việc nhập liệu tiêu chí kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị vào hệ thống để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND thành phố.
Hằng năm, Đà Lạt tổng hợp nhu cầu trang thiết bị của các cơ quan, đơn vị, tổng hợp để mua sắm tập trung nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính.
Thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, khai thác ứng dụng Đà Lạt trực tuyến; thông qua các phản ánh của người dân, doanh nghiệp, du khách thành phố sẽ kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trên các lĩnh vực. Trong năm 2021, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết được trên 2.600 phản ánh của công dân trên Ứng dụng Đà Lạt trực tuyến trong nhiều lĩnh vực như: quản lý bảo vệ rừng; trật tự xây dựng; trật tự đô thị; an toàn giao thông; giá cả thị trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; du lịch; môi trường.
Thành phố cũng thường xuyên cập nhật các thông tin chỉ đạo, điều hành, đưa các thông báo tuyển dụng và việc làm; cập nhật tin, bài viết về các hoạt động diễn ra trên địa bàn kịp thời trên Trang thông tin điện tử thành phố để người dân tìm hiểu khi có nhu cầu.
|
Bình minh Đà Lạt. Ảnh: Hiệp Nguyễn |
•
VẬN ĐỘNG SỬ DỤNG DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG
Theo bà Hồ Thị Bích Vân, Trưởng phòng Nội vụ Đà Lạt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, thành phố tích cực vận động người dân, doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng dịch vụ hành chính công trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC).
Đến nay, Đà Lạt tiếp nhận và giải quyết 58 TTHC mức độ 3 và 62 TTHC mức độ 4 trên hệ thống một cửa điện tử. Trong năm 2021, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết được 97 hồ sơ TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 54 hồ sơ mức độ 3; 43 hồ sơ mức độ 4 ở các lĩnh vực Thi đua - khen thưởng; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa; Kế hoạch - Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo.
Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong năm 2021, tổng cộng có 1.703 lượt cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC về địa chỉ thường trú, tăng 1.209 lượt cá nhân, tổ chức so với năm 2020.
Tại Bộ phận Một cửa UBND thành phố, đã bố trí quầy tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC để Công an thành phố Đà Lạt, Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Đà Lạt tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.
Dù đạt được những con số đáng khích lệ như trên nhưng theo bà Vân, số lượng hồ sơ, TTHC mức độ 3, 4 phát sinh trên dịch vụ công trực tuyến còn thấp do không ít người dân, các tổ chức còn chưa quen sử dụng. Cùng đó, do thói quen nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC trực tiếp tại Bộ phận Một cửa các cấp khi có nhu cầu thực hiện TTHC nên đến nay chưa có nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển phát kết quả giải quyết TTHC về địa chỉ thường trú của mình.
Chính vì vậy, theo UBND Đà Lạt, trong năm 2022, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác CCHC, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với những lĩnh vực thường phát sinh hồ sơ; vận động người dân và tổ chức tiếp tục sử dụng dịch vụ bưu chính công ích thông qua nhiều hình thức như phát tờ rơi, tờ gấp, phiếu hướng dẫn hồ sơ, chuyên mục hỏi, đáp TTHC...
Đà Lạt năm nay cũng cam kết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, đặc biệt là khai thác hiệu quả hệ thống văn phòng điện tử, một cửa điện tử nhằm tăng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, chuyển dần thói quen sử dụng hồ sơ giấy của cá nhân, tổ chức; tăng cường sử dụng hộp thư điện tử công vụ, chữ ký số và ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
Theo bà Vân, trong năm nay, Đà Lạt sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố và các xã, phường; đẩy mạnh việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đồng thời triển khai việc số hóa kết quả giải quyết TTHC và đính kèm kết quả giải quyết trên Hệ thống một cửa điện tử theo quy định.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin