Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới

06:02, 24/02/2022
(LĐ online) - Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. 
 
Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường
Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường
 
Mục tiêu tổng quát Kế hoạch triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh được chia thành 2 giai đoạn: 
 
Giai đoạn 1 (từ 2022 - 2025): Đổi mới về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác truyền thông. Theo đó, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, trên nền tảng số; nội dung truyền thông, giáo dục chú trọng về pháp luật, chính sách bình đẳng giới nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của cả hai giới trong gia đình và xã hội; tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ trợ giúp xã hội có nhạy cảm giới; tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai kế hoạch vào năm 2025.
 
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030): Trên cơ sở kết quả sơ kết việc triển khai giai đoạn 1, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh bổ sung Kế hoạch (nếu cần thiết). Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới và đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; tập trung khai thác, phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông hiện đại; tăng cường truyền thông, giáo dục và tư vấn nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành bình đẳng giới cho các nhóm đối tượng; triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông tại các cấp; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan huy động các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới. 
 
Kế hoạch triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 6 mục tiêu cụ thể gồm: 
 
Hàng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức ít nhất 2 cuộc truyền thông cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về pháp luật, chính sách liên quan đến công tác bình đẳng giới. 
 
Mỗi thôn, bản, khu phố hàng năm tổ chức ít nhất 1 cuộc truyền thông về pháp luật, chính sách liên quan đến công tác bình đẳng giới cho người dân.
 
Đến năm 2025 và duy trì đến năm 2030 đạt 100% sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm. 
 
Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 – 15% so với năm 2025.
 
Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.
 
Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới. 
 
Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hàng năm; Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội; Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; Nghiên cứu, áp dụng và chỉ đạo áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp; Tăng cường truyền thông về pháp luật, chính sách và những thành tựu, kết quả về bình đẳng giới, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, truyền thông về bình đẳng giới, nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.
 
Các sở, ban, ngành liên quan, MTTQ, các Hội, đoàn thể triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình và tham gia thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong cơ quan, đơn vị theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội. 
 
Kinh phí thực hiện gồm ngân sách Trung ương và địa phương bố trí hàng năm để thực hiện công tác truyền thông về bình đẳng giới cùng với huy động từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác.
 
TUẤN HƯƠNG