Từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, lạc hậu, dân cư thưa thớt; đến nay, vùng căn cứ cách mạng Bà Gia, nay là xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai đã “thay da đổi thịt”; chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
|
Thế hệ trẻ xã Đoàn Kết luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc |
•
NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG
Tôi lần giở những ký ức của vùng căn cứ cách mạng và hậu phương Bà Gia qua cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng xã Đoàn Kết (Bà Gia) giai đoạn 1945-2005” do Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Huoai biên soạn. Một quá khứ hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được tái hiện lại qua các tư liệu, sử liệu và hồi ức của các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt từng sống, chiến đấu, công tác tại xã Đoàn Kết qua các thời kỳ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đồng bào trong xã đã tự tổ chức sản xuất, sinh hoạt, tránh được sự càn quét, cai trị của thực dân Pháp; từ tự phát đến tự giác, đồng bào ở đây đã có sự đóng góp về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến; góp phần cùng Nhân dân và các dân tộc trong toàn huyện, toàn tỉnh và cả nước kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
|
Đường trung tâm xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), với nhiều chiến công hiển hách, phát huy truyền thống và lòng yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất, xã Đoàn Kết trở thành vùng căn cứ cách mạng vững chắc của huyện, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Trong những chuyến công tác tại huyện Đạ Huoai, tôi may mắn được thắp nến tri ân tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Bia tưởng niệm ở xã Đoàn Kết. Nơi đây ghi danh 12 Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: Anh hùng liệt sĩ K’Tích, K’Điều - những người con của xã Đạ Ploa (Đạ Huoai); K’Đếch, K’ Ghe, K’Lăng, K’Ri, K’Keo, Ka Thị Nơi, K’Dinh là những người con ưu tú của TP Bảo Lộc...
|
Cuộc sống của đồng bào DTTS ở xã Đoàn Kết thay đổi từng ngày |
Sự hy sinh oanh liệt của các thế hệ cha anh; những anh hùng từ mọi miền đất nước tại vùng đất Bà Gia khi xưa là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần vươn lên của Đoàn Kết trên chặng đường xây dựng và phát triển mới. Tiếp nối truyền thống đó, giờ đây các thế hệ trẻ luôn cố gắng phấn đấu, hăng say học tập, lao động, sản xuất, công tác để xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
•
KHỞI SẮC TỪNG NGÀY
Anh Đinh Khương Duy - Bí thư Đoàn xã Đoàn Kết cho biết: Để xứng đáng với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, thế hệ trẻ ở xã luôn cố gắng học tập, trau dồi, đoàn kết; thể hiện tinh thần xung kích trên mọi mặt trận.
Khi mới thành lập, theo thống kê vào năm 1996, toàn xã có 770 nhân khẩu; đến nay toàn xã có 441 hộ, 1.921 khẩu; 9 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 141 hộ, 634 khẩu; riêng đồng bào K’Ho có 112 hộ, 510 khẩu).
|
Nông dân xã Đoàn Kết có thu nhập cao từ những vườn sầu riêng và cây điều ghép |
Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Đoàn Kết hôm nay đã có nhiều đổi thay, khởi sắc, các dân tộc anh em chung sống hòa thuận, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng nông thôn mới (NTM) từng ngày. Năm 2020 xã vinh dự được công nhận là xã NTM, hiện nay xã đang phấn đấu để giữ vững và nâng cao các tiêu chí. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tích cực của người dân địa phương nên tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Phải khẳng định rằng, kể từ năm 2015 khi có những hộ đồng bào DTTS đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo học những lớp sản xuất nông nghiệp và thành công trong việc làm kinh tế nông nghiệp thì đông đảo bà con dần thay đổi nhận thức, quyết tâm sản xuất nông nghiệp theo hướng mới, loại bỏ dần tư duy canh tác lạc hậu.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của toàn xã ước đạt trên 1.732 ha. Trong đó đáng kể là cây công nghiệp dài ngày với trên 1.408 ha; hơn 312 ha cây ăn quả. Một điểm mới trong việc chuyển đổi cây trồng ở xã Đoàn Kết chính là việc người dân đã tự giác chuyển đổi sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Chỉ tính riêng năm 2021, hơn 53 ha sầu riêng được trồng mới, nâng tổng diện tích trồng sầu riêng lên hơn 304 ha; đến nay đã có 65 ha sầu riêng cho thu hoạch, năng suất đạt 10,4 tấn/ha, sản lượng đạt trên 677 tấn. Ngoài ra, các loại cây ăn quả khác như mít, măng cụt, cam, quýt, bưởi bước đầu đã được người dân trồng và cho năng suất, chất lượng cao.
Chị Ka SRê ở Thôn 2, xã Đoàn Kết được đánh giá là một người con của núi rừng luôn phấn đấu làm giàu trên mảnh đất mà biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để giữ gìn. Hiện nay, với 1,7 ha sầu riêng đã cho thu hoạch năm thứ 5, 1 ha sầu riêng trồng xen canh cây cà phê, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhiều năm nay chị Ka SRê luôn đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Chị Ka SRê tâm sự: Trước đây, gia đình mình rất khó khăn, quanh năm chỉ nhờ vào những củ khoai, sắn, ngô. Làm lụng vất vả nhưng cái bụng không no, bắp ngô không đầy hạt, nương lúa nhờ trời. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình mình đã làm theo hướng mới là trồng cây sầu riêng, xen canh các loại cây ăn quả ở vườn cà phê mà có của ăn của để, nhà cửa khang trang, sắm sửa được các vật dụng, máy móc, nông cụ; con cái ăn học tử tế.
Là một xã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”; nay xã Đoàn Kết đã có nhiều đổi thay mọi mặt. Cuộc sống của người dân ổn định, ấm no, hạnh phúc; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng toàn thể người dân quyết tâm xây dựng NTM, phát huy truyền thống hào hùng của mảnh đất từng là vùng căn cứ cách mạng và hậu phương quan trọng trong hai cuộc kháng chiến.
ĐỨC TÚ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin