Kích hoạt ngay các trạm y tế lưu động và thành lập các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng

09:02, 21/02/2022
(LĐ online) - Ngày 21/2, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong ngành; Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 
 
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho F0 tại nhà ở TP Đà Lạt
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho F0 tại nhà ở TP Đà Lạt
 
Trong thời gian qua, số trường hợp mắc bệnh Covid-19 được phát hiện tại cộng đồng gia tăng, nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị, gây áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19. Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, giảm số lượng người nhiễm và giảm tỷ lệ tử vong, Sở Y tế tỉnh đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19. Tiếp tục khẩn trương rà soát, lập danh sách tất cả các trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin để tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và tiêm liều nhắc lại, liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên (chú ý các trường hợp di dân từ nơi khác đến tạm trú tại các địa phương trong tỉnh). Cần rà soát kĩ không để bỏ sót đối tượng, sau khi rà soát, khẩn trương tổ chức tiêm theo đợt và tiêm vét để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đủ liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên đạt 100% trong tháng 2 năm 2022.
 
Rà soát lại các trường hợp chưa tiêm mũi 1, mũi 2 theo danh sách các đơn vị đã gửi về Sở Y tế để đảm bảo 100% các trường hợp này đã được tiêm vắc xin theo quy định. Các trường hợp không đồng ý tiêm yêu cầu ký bản cam kết chịu trách nhiệm khi mắc bệnh Covid-19. Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp không thể tiêm vắc xin Covid-19 do yếu tố sức khỏe hoặc chống chỉ định theo quy định.
 
Quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương cấp xã, phường, thị trấn. Tiếp tục tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm vắc xin tại nhà cho những người đi lại khó khăn… tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tử vong do chưa được tiêm chủng.
 
Tập trung huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng quản lý tiêm chủng Covid-19 và cập nhật thường xuyên số liệu về đối tượng tiêm chủng, số liều vắc xin sử dụng. Tăng cường chỉ đạo tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, không chờ đợi, lựa chọn vắc xin, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vắc xin đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng kịp thời. Vắc xin được phân bổ cho các đơn vị không có nhu cầu sử dụng cần báo cáo ngay về Sở Y tế tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh để điều phối, tránh xảy ra tình trạng thừa vắc xin hoặc quá hạn, không kịp sử dụng phải huỷ bỏ.
 
Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng. Thực hiện điều trị, chăm sóc, cách ly các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại nhà và tại các Khu điều trị Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác điều trị, phát hiện sớm các trường hợp người bệnh chuyển nặng, giảm tải cho tuyến trên, các đơn vị cần theo dõi sát tình trạng của người bệnh, kịp thời sử dụng các thuốc kháng vi rút theo chỉ định và chỉ chuyển lên tuyến trên các trường hợp theo phân tầng điều trị từ mức độ 2b trở lên. Các đơn vị chỉ chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy cơ cao trở lên sau khi đã hội chẩn, trao đổi giữa lãnh đạo đơn vị với lãnh đạo Khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng.
 
Tiếp tục đào tạo, tập huấn để đội ngũ Bác sĩ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, cán bộ tăng cường… nắm chuyên môn điều trị, chăm sóc, nâng cao hiệu quả giảm tử vong, giảm bệnh nặng chuyển tầng. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm nhanh, phát hiện kịp thời các trường hợp F0 để điều trị ngay, không để có biến chứng nặng. Rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hoá chất xét nghiệm, ô xy y tế... để chủ động, đáp ứng các cấp độ dịch. 
 
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu cho UBND các huyện, thành phố kích hoạt ngay các trạm y tế lưu động và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để phối hợp với y tế địa phương chăm sóc cho các trường hợp nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà.
 
Tiếp tục tổ chức cách ly y tế tại nhà các đối tượng F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà khi đủ điều kiện theo đúng quy định (chú ý, đảm bảo thuốc điều trị cho người bệnh, tuyệt đối không để thiếu thuốc, đảm bảo công bằng, khách quan trong cung cấp thuốc chữa bệnh); tổ chức phân tầng đúng, theo dõi F0 tại nhà để phát hiện và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp chuyển nặng để điều trị đúng, giảm tử vong.
 
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân không được lơ là, chủ quan khi đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, phải tuân thủ theo nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân. Khuyến cáo mỗi người dân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... tự xét nghiệm theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của ngành y tế, khi có trường hợp tự xét nghiệm dương tính hoặc có các biểu hiện nghi mắc Covid-19 như: sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác báo cho y tế địa phương để kịp hỗ trợ, cách ly, điều trị theo quy định.
 
AN NHIÊN