Loài dược liệu quý hiếm mọc ở núi rừng Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) được một cô gái “tay ngang” đến từ Hà thành tìm ra rồi bảo tồn, nhân giống và chứng minh được cây có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe - điều mà lâu nay không ai biết.
|
An Na trong vườn trà Thạch Châu của mình |
Cô gái ấy có tên là Lê An Na (41 tuổi), người con gái Hà thành chính hiệu. Nói An Na là “tay ngang” theo nghiệp trà bởi cô có chuyên môn về tài chính và hơn 11 năm trước đã giữ cương vị là trưởng phòng của một ngân hàng tại Hà Nội.
•
THEO MỘNG HOA VÀNG
Kể cũng phải dăm ba cuộc hẹn, chúng tôi mới được cùng An Na vào mục sở thị vườn trà hoa vàng của cô ở thôn Hang Hớt, xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) khi tiết trời Nam Tây Nguyên bắt đầu chuyển sắc sang xuân. Dạo bước trong “rừng” trà và được “mắt thấy, tay sờ” cũng như nghe câu chuyện “lập vườn” của An Na mới thấy hết tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt của cô với cây trà hoa vàng này.
Theo lời An Na, khoảng năm 2010, trong lần trò chuyện với các giáo sư, nhà khoa học trong lĩnh vực cây thuốc ở Việt Nam, họ nói về cây trà hoa vàng đang dần bị mất đi từ trong rừng ở Việt Nam vì người dân tìm bán cho thương lái Trung Quốc. “Tìm hiểu thêm, tôi biết trà hoa vàng là cây thuốc nam, họ chè đã được người Pháp tìm thấy từ rất lâu tại Việt Nam. Biết được Việt Nam và Trung Quốc là 2 vùng duy nhất trên thế giới có trà hoa vàng, trong đó Việt Nam chiếm số loài nhiều nhất, nhưng ở Việt Nam lại chưa có nhiều người biết đến. Trân trọng trà hoa vàng là món quà thiên nhiên ban tặng trên đất nước Việt, nên khi nghe loài cây này bị mất dần trong tự nhiên, tôi cảm thấy xót xa và mong ước bảo tồn, phát triển cho sức khỏe cộng đồng. Thế rồi, vướng phải tình trà, tôi bỏ việc và dành toàn bộ thời gian, công sức để theo giấc mộng với trà hoa vàng cho đến nay”, An Na thổ lộ.
“Lúc ấy, khi nghe ở đâu có cây trà hoa vàng là tôi liền tìm đến. Tâm trí tôi khi đó cứ đau đáu về loài trà hoa vàng. Liên tục tìm thì biết được ở Yên Bái có cây này, tôi liền tìm đến và đã mua được 1 cây đầu tiên. Nghĩ là ở thành phố Đà Lạt đang phát triển việc nuôi cấy mô, tôi liền đưa cây vào và nhờ những chuyên gia ở đây thử nghiệm nhân giống. Suốt gần 1 năm không thành công, tôi lại quay ra Yên Bái lấy mẫu và khi quay trở lại, tôi vô tình gặp một bác nông dân ở Đà Lạt và bác ấy đã giúp tôi nhân giống bằng giâm hom thành công”, An Na cho hay.
Từ thành công này, An Na tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm các loài trà hoa vàng đồng thời cũng tìm mua đất lập vườn bảo tồn và nông trường có tên Kim Hoa Trà, rộng 7 ha, tại Lâm Hà, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 22 km của cô ra đời từ đó (năm 2011).
|
Hoa trà Thạch Châu |
•
GIÁ TRỊ... THẠCH CHÂU HOA VÀNG
An Na “khoe”: “Trong 10 năm qua, tôi đã sưu tầm và nhân giống, bảo tồn thành công với 44 loài trà hoa vàng - đã được các nhà khoa học ở Trường Đại học Đà Lạt định danh, trong đó có nhiều loài có tên trong “Sách đỏ” Việt Nam và thế giới. Nông trường giờ có khoảng 50.000 cây trà hoa vàng các loại, trong đó có khoảng một nửa là cây trà hoa vàng Thạch Châu - loài cây bản địa (cây đại mộc sống nhiều năm, cao từ 8 - 17 m) quý nhất và chất lượng tốt nhất”.
An Na cho biết: “Cuối năm 2011, tôi tìm thấy cây trà hoa vàng Thạch Châu ở khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Thời gian đó, tôi cứ đi sưu tầm và thấy cây nào có hoa vàng là thu mẫu (hom) về trồng chứ không biết đó là loài gì. Khi cây lớn lên, tôi thu lá mang đi phân tích có hoạt chất tốt nhất trong vườn nên vui mừng nhân giống thật nhiều để trồng và sau này khi định danh mới biết là cây Thạch Châu bản địa. Tất cả các cây sưu tập được, chúng tôi tạo ra qui trình nhân giống, trồng và so sánh sơ bộ các hoạt chất (Polyphenol. Flavonoid, Saponin và các nguyên tố vi lượng) giữa các loài, Thạch Châu là loài mang đầy đủ tính ưu việt hơn tất cả”.
Cây Thạch Châu tại Nông trường Kim Hoa Trà có tên khoa học là Pyrenaria jonquieriana Pierre ex Laness, họ Chè (Theraceae); loài được công bố đầu tiên vào năm 1887 bởi Pierre, một nhà thực vật học người Pháp, trên cơ sở mẫu vật do Harmand thu thập vào năm 1877, đánh dấu từ xa xưa, loài cây này đã xuất hiện duy nhất trong núi rừng Tây Nguyên, Việt Nam. Năm 2016, cây chè Pyrenaria jonquieriana Pierre đã được đăng ký trình tự mã vạch AND trên ngân hàng Gene quốc tế bởi TS.Trần Hồ Quang (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Đồng thời, đến năm 2019, cây chè Thạch Châu này cũng được Lê An Na đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam.
Cũng theo An Na, y học đã chứng minh, trà hoa vàng (sử dụng được cả hoa lẫn lá) có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ gốc tự do, làm bền thành mạch máu, bảo vệ tế bào gan, chống viêm, chống lão hóa, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, giảm đường trong máu, tăng cường miễn dịch, phòng chống các bệnh về tim mạch, ung thư. Tại Việt Nam, lá chè Thạch Châu trên nông trại của chúng tôi còn được chứng minh có tác dụng ngăn sự nhân lên của virus HIV, chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào gan do chứa hàm lượng lớn phenolic và flavanoid toàn phần.
Nhà thực vật học Lương Văn Dũng (Trường Đại học Đà Lạt), cho biết: “Với cây trà hoa vàng Thạch Châu thì An Na là người đầu tiên ở Việt Nam nhân giống thành công và chứng minh, khẳng định được giá trị của cây là uống được và có những tác dụng gì, điều này từ xưa đến giờ chưa ai biết”.
|
Một góc “rừng” trà hoa vàng Thạch Châu của An Na |
•
KHÁT VỌNG... CÔNG VIÊN TRÀ HOA VÀNG
“Việc chọn đất trồng trà hoa vàng cũng không phải đơn giản. Ngoài độ cao, khí hậu, chúng tôi còn phải lấy mẫu đất, mẫu nước đưa đi phân tích kỹ lưỡng, phải đảm bảo không có các chất kim loại nặng mới trồng được, vì nếu đất có kim loại nặng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây trà. Ở đây cũng tuyệt đối nói “không” với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng”, An Na nói.
Vườn trà hoa vàng của An Na hiện đã cho thu hoạch (cây từ 6 năm tuổi trở lên và chủ yếu là cây Thạch Châu). Để không gây hại đến cây, mỗi năm chỉ thu hái lá 2 lần (tháng 11 và tháng 4), hái trước 9 giờ sáng, trong điều kiện trời nắng liên tục tối thiểu 7 ngày và cũng không được thu hái lúc trời mưa mới đảm bảo đầy đủ hoạt chất. Bình quân mỗi năm, An Na thu khoảng 50 tấn, chế biến dưới nhiều loại trà và dạng bột matcha. Với giá bán bình quân 3 triệu đồng/1kg, nếu tập trung đi theo thương mại thì cũng cho thu nhập tốt, thế nhưng ở đây, An Na chỉ thiên về bảo tồn chứ chưa tính đến chuyện kinh doanh nên phần lớn sản phẩm chỉ làm quà biếu và một ít bán theo đơn đặt hàng.
An Na chân thành: “Tôi luôn mong ước Việt Nam có công viên trà hoa vàng với hàng trăm loài hoa trà đua nhau khoe sắc đúng với bản sắc thiên nhiên ban tặng. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ không còn, nhưng vẫn ước mong những cây trà Việt Nam tuổi thọ hàng trăm năm được sống và có ý nghĩa cho cộng đồng, thế giới sẽ biết đến nhiều hơn, nhất là với cây Thạch Châu. Với mong ước ấy, tôi đã phối hợp tặng hàng ngàn cây trà hoa vàng các loại và di thực về trồng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, Trường Đại học Đà Lạt, Khu dự trữ thiên nhiên ở Quảng Bình và sắp tới là nhiều nơi khác nữa. Bản thân cũng có mỗi một mình, chẳng có sự hỗ trợ nào và nhiều tài sản, kể cả căn biệt thự để ở cũng bán cả để theo đuổi giấc mộng này. Dù cũng đã có nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác phát triển, nhưng thực lòng tôi thấy họ thiên về thương mại nhiều hơn nên tôi không đồng ý...”.
GIA BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin