Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế của cả nước nói chung, Lâm Đồng riêng đều có những điểm sáng, các doanh nghiệp vẫn tăng tốc phát triển. Bước vào năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đặt quyết tâm tăng trưởng ấn tượng.
|
Xuất khẩu chuối tại htx chuối Laba Banana Đạ K’Nàng. |
Dịch bệnh COVID-19 quét qua khắp các tỉnh, thành trong cả nước đã khiến nền kinh tế lao đao, kéo theo nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi sản xuất gần như bị đứt gãy trong quý III năm ngoái.
Ghi nhận tại Công ty Đà Lạt Hasfarm, trong năm vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong nước đã khiến cho tình hình sản xuất và tiêu thụ hoa của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thời điểm, đơn vị cung cấp hoa Đà Lạt Hasfarm đã phải nhổ bỏ hàng triệu cành hoa vì không tiêu thụ được. Để “vượt dịch”, đơn vị này đã phải trồng thêm rau củ, hoa màu để có thể duy trì hoạt động đến thời điểm này.
Tuy nhiên, Dalat Hasfarm là công ty sản xuất, nên công nhân viên là nguồn lực quan trọng nhất. Do đó, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, công ty vẫn đầu tư, tạo điều kiện việc làm cho công nhân viên, không cắt giảm, thay đổi nhân sự, không cắt giảm lương, cũng như tạo sự gắn kết với công nhân viên. Đặc biệt, trong năm 2021, Công ty Đà Lạt Hasfarm đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất tại các farm sản xuất chủ lực như: Đạ Ròn (huyện Đơn Dương), Phúc Thọ (huyện Lâm Hà).
|
Sản xuất hồng treo Đà Lạt sấy gió tại Công ty Shinsang Đà Lạt. |
Ông Nguyễn An Vượng, Phó Phòng Tuyển dụng Công ty Đà Lạt Hasfarm cho biết: Hiện nay, đơn vị đang có trên 7.000 lao động làm việc tại khắp các farm sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đang sản xuất và kinh doanh hơn 750 giống hoa cắt cành và hoa chậu phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng chung từ 10 - 15%, nhất là đẩy mạnh hoạt động thị trường xuất khẩu. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong năm 2022, công ty sẽ chủ động tìm kiếm các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hoa sang các thị trường giàu tiềm năng mới như Australia, New Zealand…
Theo ông Nguyễn An Vượng, thị trường Australia tuy “mới mà cũ”, bởi đây là thị trường truyền thống đối với sản phẩm hoa xuất khẩu của Việt Nam suốt 23 năm qua và tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, với sản lượng gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, đạt doanh thu 5,2 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày ngày 31/6/2021 quy định các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu hoa sang Australia bị ngưng trệ do phía nước bạn không chấp nhận triệt mầm cành hoa bằng hoạt chất khác, ngoài Glyphosate. Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoa cắt cành vào Australia sử dụng hoạt chất Glyphosate để xử lý hoa sau thu hoạch, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị xuất khẩu hoa cắt cành để hoàn thành thí nghiệm tìm kiếm các hoạt chất thay thế Glyphosate cho phép và đáp ứng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc với hoạt chất thay thế là Metsulfuron methyl. Đây là tín hiệu vui để doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh năm 2022 đã đề ra.
|
Trồng hoa cúc phục vụ thị trường xuất khẩu tại Công ty Đà Lạt Hasfarm. |
Trong khi đó, tại Công ty Sợi Đà Lạt (thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt), năm 2021 cũng là năm tình hình sản xuất và kinh doanh của Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm, Công ty xuất hiện hàng chục ca dương tính với COVID-19 tại nơi làm việc, khiến doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để tiến hành dập dịch. Ngoài ra, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa đi các nước của Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới liên tục bị đứt gãy. Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 11/2021 đến nay, tình hình sản xuất, thương mại của công ty đã gần như trở lại bình thường.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Hành chính - Nhân sự công ty cho biết: Qua một năm chồng chất khó khăn, các doanh nghiệp đang dần lấy lại động lực tăng trưởng. Kết thúc năm 2021, Công ty vẫn đạt được doanh thu và lợi nhuận rất khả quan. Trong năm mới 2022, khi tình hình thương mại toàn cầu đã dần được khôi phục, Công ty đã đề ra các phương án kinh doanh, đặt ra những mục tiêu, kỳ vọng tăng trưởng khá. Tuy nhiên, vấn đề hàng đầu của doanh nghiệp dệt may hiện nay là thiếu lao động, khi cả nước đang bước vào đầu giai đoạn “bình thường mới”.
Ông Đỗ Xuân Kiên - Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đa số các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đang từng bước phục hồi sản xuất và tiến triển tốt. Để hạn chế rủi ro, tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Đây được xác định là xu hướng phát triển trong thời gian tới và mở ra cơ hội tái cấu trúc sản xuất đối với các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đang xây dựng, đề xuất thêm các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến; tạo cơ chế về tín dụng, chính sách thuận lợi nhằm thu hút các công ty lớn đầu tư vào chế biến nông sản, nhất là tập trung vào một số sản phẩm chủ lực.
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin