Phát huy vai trò giám sát và phản biện trong tình hình mới

05:02, 22/02/2022
Năm 2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xác định: tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội về đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Qua đó, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.
 
“Giám sát về việc thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng cho người dân” là nội dung được MTTQ và đoàn thể quan tâm thực hiện trong năm 2021
“Giám sát về việc thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng cho người dân” là nội dung được MTTQ và đoàn thể quan tâm thực hiện trong năm 2021
 
Năm 2021, qua thực hiện việc giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 và giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch, hướng dẫn thực hiện trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên. Đến nay, tỉnh đã tổng hợp báo cáo kết quả giám sát đợt 1 theo từng chính sách hỗ trợ; cụ thể, theo thống kê, toàn tỉnh đã chi trả cho 105.252/117.355 đối tượng rà soát, với số tiền 157.878 triệu đồng. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống, chế độ chính sách cho Nhân dân trong lúc khó khăn.
 
Công tác giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh từng bước có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp; chất lượng và hiệu quả có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Năm 2021, hướng dẫn và phối hợp tổ chức tốt hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với MTTQ và các tổ chức phụ trách bầu cử ở các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh; quá trình tập trung tổ chức giám sát 5 chuyên đề, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên các nội dung giám sát chủ yếu được tiến hành qua nghiên cứu, xem xét văn bản của các đối tượng được giám sát. Các kiến nghị qua giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều được các đơn vị, địa phương, cá nhân liên quan tiếp thu và tổ chức triển khai thực hiện. 
 
Đến nay, MTTQ tỉnh đã hoàn thành 4 nội dung giám sát gồm: Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ năm 2021; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp năm 2021; Giám sát về chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 654/UBND-XD ngày 05/02/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2020; hoàn thành (đợt 1) giám sát việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức giám sát được 5 chuyên đề theo kế hoạch và giám sát việc thực hiện một số nội dung về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
 
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý 65 dự thảo văn bản do các cơ quan đảng, chính quyền tỉnh đề nghị. Các tổ chức thành viên đã tham gia góp ý được trên 200 dự thảo văn bản liên quan đến kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tích cực tham gia góp ý các dự thảo văn bản liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở.
 
Thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Mặt trận đã tổ chức các diễn đàn đối thoại, gặp mặt, tiếp xúc, trao đổi, tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia ý kiến và kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền; đặc biệt là tham gia giám sát việc thực thi công vụ và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với Đảng, Nhà nước để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần giải quyết dứt điểm những bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Tích cực nâng cao chất lượng góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo văn bản do các cơ quan Đảng, chính quyền đề nghị. 
 
Về thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong thời gian tới, ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo: Năm 2022, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội ở các cấp Mặt trận, nhất là cấp xã; chú ý lựa chọn chuyên đề, nội dung, hình thức giám sát và phản biện xã hội thiết thực, phù hợp, như: Giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, những vấn đề dư luận Nhân dân quan tâm, bức xúc; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19... Sau giám sát, kịp thời kiến nghị và theo dõi kết quả thực hiện; đồng thời, quan tâm hướng dẫn, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. 
 
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, công tác giám sát, phản biện xã hội cần có sự đổi mới theo hướng hiệu quả, thực chất và chủ động; nội dung giám sát, phản biện xã hội bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân; hình thức giám sát phù hợp, đáp ứng tình hình thực tế, tập trung nguồn lực thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm và có kết quả cụ thể. 
 
NGUYỆT THU