''Thắp lửa'' văn hóa đọc sách cho học sinh vùng sâu

05:02, 22/02/2022
Tận dụng bóng mát của những tán cây xanh ở sân trường, Trường Tiểu học - THCS Tà Hine (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng) đã xây dựng mô hình “Thư viện xanh” đầy tiện lợi, thú vị để thu hút học sinh đến với sách. Cứ mỗi giờ ra chơi, các em lại tập trung ở “thư viện xanh” để đọc sách, báo.
 
Các em học sinh say sưa đọc sách dưới tán cây tại Trường Tiểu học - THCS Tà Hine (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng)
Các em học sinh say sưa đọc sách dưới tán cây tại Trường Tiểu học - THCS Tà Hine (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng)
 
Chúng tôi có dịp đến thăm Thư viện Trường Tiểu học - THCS Tà Hine vào giờ giải lao, quanh sân trường, nhiều nhóm học sinh đang say sưa đọc sách dưới tán cây xanh. Đây là ngôi trường thuộc vùng đồng bào dân tộc, còn nhiều khó khăn, nhưng Thư viện của trường luôn được trang bị đầy đủ tủ đựng sách, báo, bàn, ghế phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của giáo viên và học sinh. Không chỉ cung cấp sách cho người đọc, nhiều hoạt động phong phú của Thư viện luôn được nhà trường quan tâm, tổ chức như: “Ngày hội đọc sách”, “Kể chuyện theo sách” “Tìm hiểu pháp luật qua sách, báo” “Giới thiệu sách cho học sinh”... Vì vậy, các em học sinh của trường rất hào hứng khi tham gia các hoạt động này. Không chỉ những đầu sách về học tập, hiểu được sở thích, nhu cầu đọc, giải trí của các em, cán bộ Thư viện nhà trường cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung các đầu sách, truyện, báo có nội dung gần gũi với nhi đồng, dạy về kỹ năng sống...
 
Cầm trên tay cuốn sách lịch sử, em Nguyễn Thị Hiền Nhi học sinh lớp 9A2 phấn khởi chia sẻ: Gia đình em không có điều kiện để mua sách, truyện để đọc, nên nhờ Thư viện của trường, em mới đọc được nhiều cuốn sách, truyện hay và bổ ích như thế. Ngày trước, chúng em phải lên Thư viện của trường để mượn sách, chờ đến lượt mượn sách khá lâu, nhưng mấy năm nay, chúng em được đọc ngay ở sân trường. Cứ theo lịch sắp xếp đọc sách của trường, đến lớp nào thì chúng em lại tập trung ra từng góc “Thư viện xanh” để đọc, vừa thoáng mát tiện lợi.
 
Cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Tà Hine cho biết: Trường hiện nay có 2 cấp học: Cấp 1 có 432 em; Cấp 2 có 222 em học sinh, trong đó học sinh người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Đa số đời sống kinh tế gia đình các em  còn rất thiếu thốn, nên việc được gia đình mua sách, truyện để đọc thêm rất hiếm hoi. Hiểu được điều đó, nhà trường đã lên kế hoạch và triển khai mô hình “Thư viện xanh” để giúp các em được tiếp cận nhiều hơn với sách, xây dựng văn hóa đọc cho thế hệ trẻ. Sau khi triển khai mô hình này, thư viện đã thu hút rất nhiều học sinh đến đọc, góp phần quan trọng trong việc trau dồi khả năng đọc, hiểu tiếng Việt của các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Việc hướng dẫn các em đọc sách, tìm tài liệu bổ sung cho từng môn học sẽ giúp học sinh mở rộng kiến thức, rèn luyện thói quen tự học, tự nghiên cứu và vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống. Đây không chỉ là công cụ học tập hiệu quả, mà còn giúp người học đổi mới phương pháp học tập theo mô hình giáo dục tiên tiến; trong đó, học sinh trở thành trung tâm - tích cực, tham gia vào tiết học, tương tác cùng thầy, cô giáo để chất lượng buổi học tốt hơn, góp phần nâng cao văn hóa đọc của học sinh, của cán bộ giáo viên nhà trường. 
 
Mỗi tháng, tùy theo chủ đề, chủ điểm, thư viện chọn ra những cuốn sách hay, phù hợp để giới thiệu đến các em học sinh. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục của huyện Đức Trọng cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập, giúp các em học sinh biết cách đọc sách để tích luỹ kiến thức, hiểu được rằng sách là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá trong cuộc sống.
 
Ông Thái Quốc Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Trọng cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho cán bộ giáo viên, nhân viên sưu tầm sách để xây dựng thêm cho thư viện nhà trường. Phát động các phong trào xã hội hoá, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài trường ủng hộ xây dựng số đầu sách ngày càng phong phú. Cùng với đó, cũng tổ chức các đợt quyên góp sách vở tặng thư viện, tặng cho học sinh vùng sâu, vùng xa”.
 
Có thể nói, với sự cố gắng nỗ lực của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học - THCS Tà Hine trong việc đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động của thư viên nhà trường, đã góp phần nâng cao văn hóa đọc không chỉ trong đội ngũ những nhà giáo mà còn giúp cho học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức từ kho tàng tri thức của thư viện trường học.
 
BÌNH AN