Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từng bước, thận trọng, đặt an toàn lên hàng đầu

02:02, 04/02/2022
Bộ Y tế cho biết đang tích cực chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...
 
Bộ Y tế cho biết đang tích cực chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 -11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ảnh minh hoạ.
Bộ Y tế cho biết đang tích cực chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 -11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ảnh minh hoạ.
 
Trả lời báo chí dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần về vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan.
 
Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Cho đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
 
"Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có hơn 37 quốc gia đã có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao", Bộ trưởng nói.
 
Đồng thời Bộ cũng theo sát thông tin vaccine nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra...
 
Bộ Y tế cũng đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể cung ứng vaccine này.
 
"Khi có vaccine này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết"- Bộ trưởng nói.
 
Cũng theo Bộ trưởng, việc tiêm vaccine vẫn thực hiện theo chương trình cũ. Việc tiêm vaccine không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích với tất cả người dân. Đa phần các trường hợp tử vong thời gian qua- khoảng 80% là do không tiêm vaccine, không tiêm đủ mũi. Đây là điều rất đáng tiếc, phần lớn tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.
 
Vì thế, hiện nay, để bảo vệ nhóm đối tượng này, các địa phương đang thực hiện chiến lược "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vaccine cho người dân, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.
 
Trước đó, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cho phép mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioTech để có thể triển khai tiêm và chấp nhận có thể dư thừa vaccine.
 
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất...
 
 
Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi từ tháng 11/2021, vaccine tiêm là Pfizer. Công tác tiêm chủng cho trẻ chủ yếu được triển khai tại các nhà trường.
 
Thông kê đến ngày 1/2/2022, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.247.706 liều, trong đó mũi 1 là 8.446.380 liều; mũi 2 là 7.801.326 liều.
 
37/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90% gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang.
 
10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 23% - dưới 80% gồm: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương.
 
 
(Theo suckhoedoisong.vn)