Xuân về tràn ngập đất trời, lòng người cũng phơi phới rạo rực. Mùa xuân này, niềm vui của thầy và trò ở trường học vùng xa - Trường THCS Trần Phú, xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông được nhân lên gấp nhiều lần bởi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
|
Đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Phú đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia |
Đạt chuẩn quốc gia mức độ I có lẽ là thành tích của nhiều ngôi trường, nhưng với Trường THCS Trần Phú đó là thành tựu lớn của những tháng năm miệt mài nỗ lực, cống hiến và dựng xây của đội ngũ các nhà giáo nơi này.
Trường THCS Trần Phú trước đây là một điểm trường thuộc Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông. Học sinh của trường có những em ở khu vực Bãi Mía, xã Đạ R’Sal và khu căn cứ Đạ M’ Pô, xã Liêng Sronh, quãng đường đến trường dài hơn 15 km. Trước thực tế đó, ngày 10/6/2014, UBND huyện Đam Rông, ra quyết định thành lập Trường THCS Trần Phú đặt trên địa bàn thôn Pang Pế Dơng, xã Đạ R’sal. Đây là khu vực cư trú của phần đông bà con dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Hiện tại, toàn trường có 12 lớp với 314 học sinh. Trong đó có 208 học sinh là người DTTS, chiếm 66,2%. Ngoài điểm trường chính ở thôn Pang Pế Dơng, trường còn một điểm trường với 4 lớp cho học sinh từ khối 6 đến khối 9 với 99 học sinh chủ yếu là người dân tộc H’Mông ở khu căn cứ Đạ M’Pô. Để đảm bảo công tác giảng dạy ở điểm trường, các thầy, cô giáo thuộc Trường THCS Trần Phú vẫn thường xuyên đi về mỗi ngày.
Cô Đặng Thị Soa - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Những ngày đầu được tách ra, trường chỉ có 8 phòng. Ngoài bố trí phòng học tập hai ca, trường dùng một phòng ngăn thành 4, 5 ô để làm khu vực của Ban giám hiệu, khu vực hành chính... Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như sự chủ động, linh hoạt của nhà trường, cơ sở vật chất của trường ngày càng hoàn thiện. Các phòng học đảm bảo đầy đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp, khu hiệu bộ, phòng chức năng, khuôn viên sân trường, sân chơi, bãi tập từng bước được dựng xây. Cơ sở vật chất tương đối khang trang hôm nay là kết quả của quá trình dài chính quyền địa phương và nhà trường chung tay dựng xây.
Nằm trong vùng đồng bào DTTS, những năm đầu công tác, vận động học sinh ra lớp của trường gặp nhiều khó khăn. Cô Đặng Thị Soa chia sẻ, nhiều năm về trước, đa phần các lớp chỉ có 60-70% học sinh lên lớp mỗi ngày. Tỷ lệ chuyên cần đạt thấp. Tỷ lệ bỏ học còn cao. Để khắc phục vấn đề này, ngoài việc thầy cô giáo đến tận nhà vận động học sinh ra lớp vào đầu năm học, trong mùa thu hoạch cà phê hay sau các dịp lễ, Tết, Ban giám hiệu nhà trường còn tham mưu Đảng uỷ, UBND xã Đạ R’sal xây dựng chương trình “Khu dân cư khuyến học”. Trong đó, tập trung vào các khu vực khó khăn như thôn Phi Jút - nơi cư trú của hơn 70% dân số là người DTTS. Đặc biệt, ở buôn Bãi Mía nơi cư trú của cộng đồng người M’Nông còn nặng những hủ tục kéo dài và tư tưởng trông chờ, ỉ lại, vì vậy các thầy, cô giáo càng bền bỉ gắn bó để từng bước làm tốt công tác vận động, tuyên truyền học sinh ra lớp. Ngoài vận động khuyến học, nhà trường còn kêu gọi nguồn tài trợ từ nhiều nơi, tham mưu các cấp để tập trung nguồn lực hỗ trợ học sinh những nhu cầu cần thiết đảm bảo việc học tập. Nhờ vậy đến nay, đã không còn chuyện học sinh bỏ học ở Trường THCS Trần Phú. Tỷ lệ chuyên cần hàng ngày đạt từ 98% trở lên trong các năm qua.
Song song với việc vận động học sinh ra lớp, công tác giáo dục đào tạo cũng được nhà trường tập trung thực hiện. Trong 5 năm gần đây, chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh ngày càng tăng và có tính ổn định. Tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp THCS ổn định hằng năm. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh giỏi tăng dần qua các năm. Nếu như năm học 2016-2017 tỷ lệ học sinh giỏi đạt 7,9% thì đến năm học 2020-2021 con số này đã tăng lên 10,56%.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, nhà trường đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình và đạt kết quả cao đáng khích lệ như: Tập thể lao động tiên tiến, lao động xuất sắc, Công đoàn được Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen, hàng năm đạt liên đội mạnh cấp tỉnh, được các cấp, các ban, ngành tặng bằng khen, giấy khen về các phong trào, hoạt động văn hóa - thể dục - thể thao...
Ông Âu Văn Nghị - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông khẳng định: “Với sự nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò, việc Trường THCS Trần Phú đạt chuẩn quốc gia là kết quả xứng đáng. Đây là trường thứ 26 trong tổng số 36 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Lễ đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được tổ chức ngày 24/1 vừa qua diễn ra trong niềm vui lớn không chỉ của trường mà còn của cả ngành Giáo dục huyện Đam Rông”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đam Rông nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Giáo dục huyện Đam Rông xác định và tập trung phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia là 90%; trong đó, có trên 50% số trường đạt chuẩn mức độ 2; 100% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Lộ trình đến năm 2030, phấn đấu 95% trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó có trên 60% đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
HOÀNG MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin