Nhiều hộ dân ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc bản địa huyện Di Linh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, vượt khó, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Gia đình anh Hán Văn Tám ở thôn Jang Pàr, xã Sơn Điền là ví dụ.
|
Gia đình anh Hán Văn Tám là một trong những gương sáng vượt khó, thoát nghèo ở Sơn Điền. |
Anh Hán Văn Tám chia sẻ với chúng tôi, mặc dù gia chưa có điều kiện đầu tư xây dựng ngôi nhà khang trang nhưng những năm gần đây kinh tế gia đình anh đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Qua tìm hiểu được biết, anh Tám quê ở tỉnh Ninh Thuận, trước đây sống bằng nghề phụ hồ. Năm 2009, trong những lần làm phụ hồ tại xã Sơn Điền, anh Tám đã làm quen rồi lập gia đình với chị Ka Hốp và được gia đình vợ chia 5 sào đất cà phê. Thời gian đầu, cuộc sống của gia đình anh Tám cũng gặp nhiều khó khăn như bao hộ bà con khác trên địa bàn xã bởi thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật, vốn đầu tư thâm canh…, nên vườn cà phê kém phát triển và cho năng suất thấp. “Thời gian đầu xây dựng cuộc sống gia đình của vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn, vì nhiều năm phải ứng trước kinh phí, phân bón với đại lý để đầu tư, khai hoang mở rộng diện tích nhưng không phải vì thế mà mình nản lòng. Ngược lại, điều đó càng thôi thúc giúp chúng tôi luôn nỗ lực lao động sản xuất, vươn lên thoát cảnh nghèo khó”, anh Hán Văn Tám nói.
Để từng bước thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, anh Hán Văn Tám cùng vợ luôn chịu khó tìm tòi, học học kinh nghiệm những người đi trước, tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đặc biệt học hỏi trực tiếp từ cán bộ hội nông dân và khuyến nông viên cơ sở về các quy trình chăm sóc, thâm canh cây trồng. Bên cạnh đó, vợ chồng anh động viên nhau cùng chung sức, tích cực khai hoang vỡ đất, hiện tại, gia đình anh Tám đã có 2 ha cà phê cho kinh doanh.
Anh Hán Văn Tám cho biết: “Đến nay, cơ bản tôi đã nắm bắt khá vững kiến thức khoa học - kỹ thuật để trồng, chăm sóc, mà cụ thể là trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cách tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê. Hiện nay, 100% diện tích đã được gia đình tôi cải tạo bằng hình thức ghép chồi giống cà phê cao sản như: Các dòng TR4, lá xoài, xanh lùn và Thiện Trường. Vì vậy, năng suất ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2011, năng suất cà phê của gia đình chỉ đạt 1,5 tấn/ha thì đến nay đã nâng lên từ 4 - 4,5 tấn cà phê nhân/ha. Niên vụ 2020, tổng sản lượng cà phê của gia đình tôi đạt trên 8 tấn nhân”.
Để nâng cao và đa dạng nguồn thu nhập, gia đình anh Tám đã tìm tòi, học hỏi cách phát triển kinh tế theo mô hình đa canh và đến nay, đã trồng xen trên 60 cây sầu riêng và bơ 034; hiện số cây trồng xen này đang trong giai đoạn chuẩn bị cho trái bói.
Ông K’ Nhẫn - cán bộ khuyến nông xã Sơn Điền chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình anh Hán Văn Tám rất khó khăn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và bằng sự nỗ lực, cố gắng của gia đình, anh đã tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa - học kỹ thuật vào sản xuất để tạo dựng cuộc sống gia đình như ngày hôm nay. Là những người trực tiếp cầm tay chỉ việc, chúng tôi rất khâm phục trước tinh thần cầu tiến, ham học hỏi của anh Tám. Bởi sau khi được hướng dẫn, anh Tám thường áp dụng ngay những kiến thức khoa học - kỹ thuật đã được cán bộ khuyến nông, hội nông dân địa phương truyền đạt. Đến nay, tuy kinh tế gia đình anh Tám chưa phải là khá giả, nhưng đây là một trong những gương sáng của địa phương trong việc vượt khó, thoát nghèo”.
Bằng sự nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm trong lao động sản xuất, qua nhiều năm khó khăn gian khổ để tạo dựng kinh tế gia đình, hiện cuộc sống gia đình anh Tám đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mỗi năm thu từ 8 đến 9 tấn cà phê nhân, đem về cho gia đình khoảng 300 triệu đồng. Anh Hán Văn Tám bày tỏ, thấy được hiệu quả từ việc vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, mình sẽ tự tin và tích cực hơn trong việc chia sẻ, giúp đỡ bà con lối xóm về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
NDONG BRỪM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin