Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện. Đơn cử, năm 2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11, gần đây, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14... Theo đó, tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức và địa phương triển khai thực hiện.
|
Tỉnh Lâm Đồng trao 2 tỷ đồng đến học sinh trong Chương trình “Sóng và máy tính cho em” |
•
LỘ TRÌNH XHHT CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng, Huỳnh Quang Long cho biết, 15 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, trước hết, Sở chú trọng đến công tác tuyên truyền. Đã có hàng trăm tin, bài truyền thông kênh báo chí địa phương; khoảng 10.000 tài liệu, tờ rơi phát hành đến tổ chức cơ sở, thôn, buôn, hộ gia đình và hàng ngàn lượt người được tập huấn… là kết quả phối hợp giữa Sở GDĐT và Hội Khuyến học tỉnh. Hai đơn vị là nòng cốt xây dựng những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Theo đó, các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh và các địa phương triển khai theo chức năng, mục tiêu cụ thể. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT thường xuyên, sáng tạo và tổ chức đánh giá, đúc kết thì mới thực sự hiệu quả đích thực.
Kết quả, đối với xây dựng XHHT từ năm 2012-2020, tỉnh Lâm Đồng đã đạt các tỷ lệ: 97,1% người trong độ tuổi từ 15-60; 98,9% người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ; 90,3% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập và không mù chữ trở lại; 100% huyện, thành phố tiếp tục củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi, kết quả PCGD THCS. Về nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; trong đó, 61,8 % người có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 15,4% có trình độ bậc 3 (mục tiêu đặt ra 40% và 20%). Cùng đó, yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề với thành quả duy trì 100%, từ đối tượng cán bộ, công chức đến chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Đối với lao động nông thôn, 71,2% tham gia học tập; với công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có 90,8% đạt trình độ THPT hoặc tương đương... Đó còn là hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Hàng năm, tiếp tục tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống.
Thực hiện Chỉ thị 11 còn là việc mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Theo ông Huỳnh Quang Long, toàn tỉnh có 142 TTHTCĐ; một số trung tâm tiêu biểu như: xã Tân Hội, Đức Trọng; Phường 7, Đà Lạt; xã Đạ Ploa, Đạ Huoai; xã Đinh Tiên Hoàng, Cát Tiên; xã Pró và Lạc Xuân, Đơn Dương... Trong 15 năm qua, các trung tâm toàn tỉnh đã tổ chức được khoảng 6.725 chuyên đề với 613.615 lượt người tham dự.
•
KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI HƯỚNG ĐẾN THỰC CHẤT
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết: Đến nay, các tổ chức Hội Khuyến học phát triển sâu rộng ở thôn, buôn, tổ dân phố, các cơ quan, trường học và các tổ chức xã hội. Hiện có 2.739 tổ chức Hội, tăng 851 tổ chức so năm 2007. Theo đó, phát triển hội viên được chú trọng, cả số lượng và chất lượng; đặc biệt, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như các huyện Cát Tiên, Đam Rông, Lạc Dương, Di Linh. Đến nay, có 223.221 hội viên, đạt tỷ lệ 17,19% so với dân số (so năm 2007, tăng 153.799 hội viên, tăng 11,19%). Một số Hội Khuyến học cấp huyện có tỷ lệ hội viên/dân số đạt tỷ lệ cao như: Đà Lạt 20,93%; Đơn Dương 18,57%; Lạc Dương 18,38%. Cùng đó, công tác phát triển Quỹ Khuyến học nâng lên rõ rệt. Trong 15 năm, Hội Khuyến học tỉnh đã huy động xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục; năm 2016, phát động xây dựng “Quỹ Tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng” được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Nhân dân ủng hộ hơn 6 tỷ đồng... Hội Khuyến học cấp cơ sở huy động trên 200 tỷ. Hội Khuyến học các cấp, các cơ quan, đoàn thể đã cấp học bổng và khen thưởng 590.005 học sinh với tổng số tiền 143 tỷ đồng...
Đánh giá về sử dụng quỹ, theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, “Quỹ Khuyến học đã được sử dụng công khai, minh bạch và đúng mục đích, chủ yếu tặng học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học và hỗ trợ phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành Giáo dục; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hội thực sự là cầu nối giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân ở ngoài xã hội. Hội Khuyến học đã huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng XHHT từ cơ sở, góp phần hoàn thành phổ cập các cấp học bền vững; duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học; xây dựng trường chuẩn quốc gia...”.
Kết quả xây dựng các mô hình học tập, Lâm Đồng hiện có 31 sở, ban, ngành thành lập Chi hội Khuyến học và thực hiện tốt vai trò tham mưu xây dựng “Đơn vị học tập” trong đơn vị. Từ năm 2007-2020, có 465 gia đình hiếu học xuất sắc. Triển khai các mô hình XHHT được phối hợp, lồng ghép việc đăng ký “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã nông thôn mới”. Số “Gia đình học tập” là 206.496, tăng 159.152 gia đình so năm 2012; số “Dòng họ học tập” là 177, tăng 73 dòng họ so năm 2012; số “Cộng đồng học tập” là 1.182 và số “Đơn vị học tập” là 672.
•
VÀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Đạt những thành quả trên, trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh; cùng nỗ lực hiệu quả của các sở, ngành, tổ chức và địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị có lúc, có nơi chưa đồng đều, một số ngành, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT nên chưa triển khai kịp thời các kế hoạch được giao theo từng nhiệm vụ cụ thể được phân công. Việc phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa thống nhất, đồng bộ, thường xuyên. Phong trào khuyến học cũng chưa đồng bộ giữa các địa phương và chưa mạnh, thiếu bền vững. Công tác phát triển hội viên chưa cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Để tiếp tục phát triển, vấn đề còn ở chỗ, các cơ sở giáo dục thường xuyên, TTHTCĐ cần chủ động, tích cực tổ chức các lớp học, chuyên đề đáp ứng nhu cầu của người dân và đồng thời, phù hợp phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường các nguồn lực đối với TTHTCĐ. Song song với đó là vai trò của Phòng GDĐT đối với công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, xây dựng XHHT cần thực sự có chất lượng và hiệu quả. Cùng đó là sự đồng hành tích cực của các trường học, TTHTCĐ... Những hạn chế, tồn tại trên sẽ là bài học để Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030 vừa được UBND tỉnh ban hành tại Chỉ thị 08.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin