Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm

10:03, 18/03/2022
(LĐ online) - Ngày 18/3, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn năm 2022.
 
Trong năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. So với năm 2020, số vụ giảm 58 vụ (41,7%), số mắc giảm 1.152 người (37,2%), số tử vong giảm 12 người (40%). Tại Lâm Đồng, năm 2021 ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 35 người mắc, không có trường hợp tử vong (giảm so với năm 2020 với 3 vụ, 251 người mắc). 
 
Để thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Trong đó, cần chú ý ngộ độc do nấm độc, do các loài động, thực vật có độc tố tự nhiên.
 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.
 
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, phối hợp với các báo, đài, phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường dung lượng, thông tin về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nâng cao kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm, trong đó nhấn mạnh nội dung “5 chìa khoá để có thực phẩm an toàn” theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. 
 
Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khoẻ con người.
 
Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai có hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.
 
AN NHIÊN