''Quả ngọt'' sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới

06:03, 24/03/2022
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ và Nhân dân, phong trào xây dựng NTM ở huyện Đạ Tẻh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Nhân dịp huyện Đạ Tẻh đạt chuẩn NTM và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh xoay quanh vấn đề này. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tặng công trình phúc lợi 5 tỷ đồng cho huyện Đạ Tẻh tại Hội nghị Tổng kết phong trào Thi đua yêu nước năm 2020 và ký kết giao ước thi đua năm 2021. Ảnh: Văn Báu
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tặng công trình phúc lợi 5 tỷ đồng cho huyện Đạ Tẻh tại Hội nghị Tổng kết phong trào Thi đua yêu nước năm 2020 và ký kết giao ước thi đua năm 2021. Ảnh: Văn Báu
 
•  PV: Chương trình xây dựng NTM được xem như cuộc “cánh mạng” làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống Nhân dân một huyện nghèo như Đạ Tẻh. Xin Chủ tịch cho biết đâu là thuận lợi cũng như khó khăn khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ này?
 
Ông Tống Giang Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh
Ông Tống Giang Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh
•  Ông Tống Giang Nam: Về thuận lợi, huyện Đạ Tẻh có vị trí địa lý đa dạng, điều kiện đất đai, địa hình thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị cao. Triển khai Chương trình xây dựng NTM, huyện Đạ Tẻh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh. Bên cạnh đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có sự tham gia phối hợp tích cực của MTTQ, các đoàn thể, các các cấp ủy, chính quyền, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch, phát động phong trào thi đua, huy động nguồn lực để thực hiện các nội dung phù hợp, sát thực tế, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân.
 
Về khó khăn, là huyện thuần nông, Đạ Tẻh nằm xa các trung tâm thương mại lớn của tỉnh và khu vực, khả năng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp hạn chế; thời tiết diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và phát triển kinh tế. Tư duy về kinh tế nông nghiệp còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng; chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn, nhận diện nhãn hiệu, xuất xứ và thị trường tiêu thụ.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phía Bắc chiếm 20,4%, đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm 7,6%, trình độ dân trí không đồng đều, tư duy tổ chức sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp và kinh nghiệm, khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hạn chế.
 
Vì vậy, khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, toàn huyện có 5 xã thuộc diện xã nghèo và xã đặc biệt khó khăn. Năm 2010, bình quân mỗi xã chỉ đạt từ 2 đến 6 tiêu chí; hầu hết các tiêu chí về kết cấu hạ tầng và sản xuất không đạt chuẩn; địa bàn các xã trải dài, kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm, đầu tư nhỏ lẻ, chắp vá.
 
Qua quá trình xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cảnh quan và môi trường nông thôn, tuy nhiên, chưa thật sự rộng khắp ở các địa bàn khu dân cư, đặc biệt là ở các khu dân cư cách xa trung tâm huyện, xã, khu dân cư vùng đồng bào DTTS.
 
•  PV: Những thành tựu nổi bật sau hơn 10 năm “Đạ Tẻh cùng cả nước chung tay xây dựng NTM” là gì, thưa ông?
 
•  Ông Tống Giang Nam: Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Đạ Tẻh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và người dân; triển khai đồng bộ, kịp thời, sâu sát, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp; từ đó diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt”, và từng bước xây dựng giá trị cốt lõi của một vùng quê đáng sống, hội tụ các yếu tố năng động về kinh tế, đồng bộ về hạ tầng, thay đổi cảnh quan và nâng cao chất lượng sống người dân. 
 
Quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng NTM của các xã được lập và quản lý khá chặt chẽ. Hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện, thủy lợi, trường học được điều chỉnh, bổ sung khá bài bản, định hướng phát triển dài lâu và từng bước được triển khai đầu tư theo lộ trình. 
 
Đến nay, tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các dự án lớn về giao thông, thủy lợi, các công trình công cộng, phúc lợi được xây dựng khang trang, hiện đại; cùng các công trình khác như trụ sở UBND xã, thị trấn, trường học… đáp ứng yêu cầu của Nhân dân. 
 
Giai đoạn 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7,5%. Kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực theo hướng cơ cấu sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn... qua đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đạt 102 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,83%, giảm hơn 20% so với năm 2010. 
 
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay tham gia xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ, các tuyến đường cờ, hoa rực rỡ được Nhân dân chăm sóc; vào ngày Chủ nhật của tuần đầu tiên trong tháng, 100% khu dân cư tổ chức chào cờ và ra quân chăm sóc cảnh quan, vệ sinh môi trường. Phong trào chống rác thải nhựa đã được huyện chỉ đạo gắn với phát động Nhân dân phân loại rác thải và tự xử lý rác thải hữu cơ tại nhà được người dân hưởng ứng. 
 
Các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, với nhiều hoạt động điểm cấp tỉnh, cấp huyện. Chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng lên; 28/34 trường học chuẩn quốc gia, đạt 82%; 9/9 địa phương duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM đã tạo được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc, nếp sống văn minh...
 
Công tác an ninh quốc phòng được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng tiến bộ, chất lượng lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng ngày càng được tăng cường, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn. Hoạt động HĐND và UBND từ huyện đến xã, thị trấn ngày càng được củng cố, kiện toàn; cán bộ công chức thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo chuẩn hoá, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, có ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ.
 
Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đạ Tẻh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2019 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. 
 
Một góc huyện NTM Đạ Tẻh
Một góc huyện NTM Đạ Tẻh
 
•  PV: Thưa ông, không dừng lại ở việc xây dựng thành công huyện NTM, Đạ Tẻh sẽ viết tiếp câu chuyện của mình bởi kế hoạch xây dựng huyện nhà trở thành huyện NTM kiểu mẫu về cảnh quan nông thôn. Vậy đâu là lộ trình và đích đến?
 
•  Ông Tống Giang Nam: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đạ Tẻh tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM với mục tiêu xây dựng đạt chuẩn kiểu mẫu về cảnh quan nông thôn vào năm 2025. Điều này xuất phát từ điều kiện và yêu cầu thực tiễn ở địa phương, vì xây dựng NTM nói chung và kiểu mẫu về cảnh quan nông thôn nói riêng đúng với chủ trương, quan điểm: nông thôn là nền tảng; cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản; và nông dân là chủ thể. 
 
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Đạ Tẻh phấn đấu 8/8 xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, 4/8 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu tiêu chí Môi trường, Sản xuất, Hành chính công, Giáo dục; thị trấn Đạ Tẻh duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn đô thị văn minh.
 
Tại Nghị quyết chuyên đề số 12 của Huyện ủy về xây dựng NTM xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM kiểu mẫu đến năm 2025 đặt ra những nhiệm vụ cụ thể như điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự và lộ trình đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu đối với từng địa phương. Đặc biệt, huyện Đạ Tẻh phấn đấu 100% xã có khu công viên mở; 50% tuyến đường giao thông nông thôn được trồng cây xanh, cây cảnh quan, cây hoa, thảm cỏ toàn tuyến; khoảng 60 - 65% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khung mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”; 100% thôn, tổ dân phố huy động Nhân dân tổ chức thực hiện chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng ít nhất một lần.
 
•  PV: Bài học sâu sắc nào được rút ra từ sự thành công nêu trên của huyện, thưa ông?
 
•  Ông Tống Giang Nam: Nhận thức và hành động của Nhân dân là yếu tố then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Do đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, để Nhân dân thấy rõ vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình, tạo sự đồng thuận, phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết chung sức, đồng lòng của người dân, lấy sức dân lo cho dân, đây chính là nguồn động lực to lớn, có tính quyết định cùng với Nhà nước chung sức xây dựng NTM. Quan tâm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện mục tiêu NTM. Củng cố và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là việc xây dựng các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua phải rõ ràng, phù hợp, sát thực tế, gắn với quyền lợi của mỗi người dân. Đổi mới tư duy sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa “Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Tổ hợp tác - Hộ dân”. Mở rộng diện tích nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, gắn với nhu cầu và yêu cầu của thị trường để phát triển ổn định và bền vững. Cần tập trung xây dựng các mô hình điểm, tiêu biểu, cách làm hay, nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng NTM để tuyên truyền và nhân rộng.
 
PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn, chúc huyện Đạ Tẻh ngày càng phát triển.
 
THÂN THU HIỀN (thực hiện)