Đến cuối 2025, Lâm Đồng có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn mặt bằng chung cả nước

06:03, 09/03/2022
(LĐ online) - Chiều 9/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ký ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Kế hoạch này nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai là điển hình thành công về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020
Xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai là điển hình thành công về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020
 
CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
 
Vào thời điểm cuối năm 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước. Cùng đó, đảm bảo nguồn vốn cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hằng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm. Không còn hộ chính sách người có công là hộ nghèo. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. 
 
CÁC CHỈ TIÊU GIẢI QUYẾT MỨC ĐỘ THIẾU HỤT CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI CƠ BẢN
 
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như sau:
 
Về chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Tối thiểu 1.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công;
 
Về chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo. Đối với chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 30%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
 
Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Về chiều thiếu hụt về thông tin: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.
 
ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH 
 
Về đối tượng, bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi toàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Các tổ chức, cá nhân liên quan. 
 
Về dự án, gồm có 5 dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Trong mỗi dự án có mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ và phân công các sở, ngành liên quan và các UBND cấp huyện thực hiện…
 
MINH ĐẠO