Đổi thay ở Di Linh

06:03, 15/03/2022
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của người dân Di Linh đã có rất nhiều khởi sắc, đặc biệt là cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Số liệu năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1.038 hộ, chiếm tỷ lệ 2,5%, trong đó, đồng bào DTTS là 617 hộ, chiếm tỷ lệ 3,8%. 
 
100% xã của huyện Di Linh đã có trường tiểu học và trung học cơ sở
100% xã của huyện Di Linh đã có trường tiểu học và trung học cơ sở
 
Di Linh có diện tích đất tự nhiên khoảng 161.418 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là trên 57.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản 159,59 ha. Dân số toàn huyện là 161.212 người/43.208 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 69.443 người/15.849 hộ chiếm 40% dân số toàn huyện. Đáng chú ý, toàn huyện có 12 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS. 
 
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” và để chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, rộng khắp, mang lại lợi ích thiết thực; huyện Di Linh đã phát động phong trào thi đua trong toàn huyện với chủ đề “Di Linh chung sức xây dựng nông thôn mới”, được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay. 
 
Xác định người dân là chủ thể, nòng cốt của toàn bộ quá trình xây dựng nông thôn mới; vì vậy, ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình, công tác tuyên truyền, vận động được xác định là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện nhiệm vụ này, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu được những chủ trương, đường lối của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã tích cực chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, huyện thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua, nêu gương người tốt, việc tốt, tăng cường phổ biến trao đổi, học tập kinh nghiệm các mô hình mới, nhân tố mới; chú trọng tập trung công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào thi đua. Công tác khen thưởng đột xuất cũng được thực hiện kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển. 
 
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã có những thay đổi vượt bậc. Đến nay, từ nhiều nguồn lực đầu tư, huyện cơ bản đã hoàn thành mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, liên xã. 19/19 xã, thị trấn đã có đường nhựa kiên cố đến trung tâm xã, đường liên thôn nhựa cứng đạt tỷ lệ 70%; 100 % đường bê tông, đất đá, cấp phối. 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt trên 98,8 %; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 96%. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng mới và kiên cố hóa, 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, các thôn có lớp mẫu giáo. Hệ thống cơ sở hạ tầng y tế cũng được củng cố và xây dựng, trên địa bàn huyện có 1 Trung tâm Y tế, 2 phòng khám đa khoa, các xã, thị trấn cũng đều có trạm y tế với đủ các phòng chức năng...
 
Vượt qua những khó khăn ban đầu, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả. Đơn cử như thực hiện phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn, đồng bào người DTTS đã hiến đất, đóng góp công sức, tiền của cùng với hỗ trợ của Nhà nước để làm đường bê tông; nhà văn hóa thôn... Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp với mô hình nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi trong sản xuất nông nghiệp tạo ra thu nhập cao; phong trào giúp nhau giảm nghèo nhanh và bền vững; phong trào sáng-xanh-sạch-đẹp... trong vùng đồng bào DTTS cũng xuất hiện nhiều tấm gương sáng trở thành tấm gương thúc đẩy người dân tích cực tham gia vào các hoạt động, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
 
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới dù đạt được những kết quả vượt bậc và đáng mừng nhưng phải thừa nhận rằng vẫn còn một bộ phận người dân trong vùng đồng bào DTTS tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hoàn toàn của Nhà nước, chưa hiểu được bản chất của Chương trình xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần cho họ nên chưa chủ động trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình, đầu tư cho sản xuất để phát triển kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS tuy đạt được kết quả quan trọng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa phát triển được chuỗi liên kết trong sản xuất, sức cạnh tranh thấp, đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. 
 
NGUYÊN THI