Đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, công tác thông tin, truyền thông được huyện Đơn Dương chú trọng thực hiện thông qua đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ phụ trách và tăng cường đầu tư hạ tầng, trang bị phương tiện phục vụ.
Thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, thời gian qua, hệ thống Truyền thanh - Truyền hình huyện Đơn Dương cũng như các trạm truyền thanh cơ sở đã tiến hành tuyên truyền các tài liệu do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cấp với các nội dung như “Giảm nghèo bền vững”, “Kinh nghiệm nhà nông”, “Gương sáng soi chung”, “Người dân và Chính phủ”, “An sinh cuộc sống”,... Từ đó, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác đến với người dân.
Bên cạnh đó, ngay sau khi tiếp nhận cuốn cẩm nang dành cho hộ nghèo từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương đã triển khai đến các xã, thị trấn và cấp phát đến 105/105 thôn, tổ dân phố, trong đó có 35 thôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Để phục vụ cho công tác thông tin, truyền thông, giai đoạn 2016-2021, UBND huyện Đơn Dương đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội, cán bộ phụ trách trạm truyền thanh cơ sở. Theo bà Phạm Thị Huỳnh Nga, Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương, việc tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hiệu quả của các cá nhân làm công tác tuyên truyền. Từ đó, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho người dân tại địa phương.
Đối với Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, đến nay, 8/8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương đã đạt chuẩn tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông. Các xã có điểm bưu điện văn hóa, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của các tổ chức, cá nhân tại địa phương; cung ứng dịch vụ bưu chính và dịch vụ phát hành báo chí công ích. Cơ quan Đảng ủy, HĐND, UBND xã có máy tính kết nối mạng internet băng rộng; đồng thời, sử dụng các phần mềm ứng dụng như: Hệ thống thư điện tử công vụ của cơ quan Nhà nước, Hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống văn phòng điện tử eOffice,...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới qua hệ thống truyền thanh tại các xã được tổ chức với tần suất 3 buổi/tuần, với những nội dung như nêu gương người tốt, việc tốt; các mô hình, điển hình về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; mô hình khu dân cư kiểu mẫu;... Từ đó, giúp người dân thêm hiểu rõ về lợi ích, cũng như trách nhiệm của mình.
Tại xã Quảng Lập, một trong những địa phương đầu tiên của huyện Đơn Dương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chị Nguyễn Thị Hà My, công chức Văn hóa - Xã hội xã Quảng Lập cho biết: “Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan như băng rôn, áp phích ở 8 cổng chào trên địa bàn xã, chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền trực tiếp đến người dân thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt các ngày lễ lớn. Tuy nhiên, thường xuyên và hiệu quả nhất vẫn là thông tin được phát trên loa phát thanh. Do đó, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước được chúng tôi biên tập thành những bản tin ngắn gọn, dễ hiểu để phát trên loa phát thanh, giúp người dân có thể nắm và hiểu được mọi lúc, mọi nơi”.
Nhằm trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền lưu động, trong thời gian qua, hệ thống trạm truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Đơn Dương đã được đầu tư, nâng cấp. Hiện, toàn huyện có 10/10 xã, thị trấn đã xây dựng các trạm truyền thanh không dây. Thời gian hoạt động của truyền thanh xã, thị trấn chia làm 2 buổi: sáng và chiều trong ngày. Nội dung chủ yếu là tiếp âm Đài địa phương và Đài Tiếng nói Việt Nam và đọc lại các thông báo của địa phương, chất lượng cũng như số lượng chương trình phát thanh không ngừng được nâng cao.
Theo bà Phạm Thị Huỳnh Nga, cùng với sự phát triển của các loại hình thông tin đại chúng, hệ thống trạm truyền thanh tại các xã, thị trấn đã phát huy tốt việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, ngày càng nâng cao nhận thức của người dân và hiệu quả thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, có một khó khăn là cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông cơ sở thường xuyên luân chuyển công tác. Cán bộ phụ trách truyền thanh tại các xã, thị trấn chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm, chế độ phụ cấp còn thấp nên ảnh hưởng đến đời sống và công việc. Do đó, trong thời gian tới, huyện Đơn Dương tiếp tục tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về viết tin, bài. Đồng thời, đề xuất có chính sách hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ phụ trách các trạm truyền thanh ở các xã, thị trấn.
VIỆT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin