LST: Dịch Covid-19 dù cơ bản đã được khống chế nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều biện pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả để từng bước đưa đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, bứt phá mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Báo Lâm Đồng điện tử đã có tuyến bài phỏng vấn lãnh đạo các ngành, địa phương xung quanh nội dung này.
|
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Thị Hồng Hải |
- Phóng viên:
Thưa bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục, đào tạo tỉnh Lâm Đồng vừa kết thúc học kỳ I năm học 2021 - 2022 với nhiều kết quả như kế hoạch đề ra. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành đã chỉ đạo triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch như thế nào?
- Bà Phạm Thị Hồng Hải:
Để thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện cùng với UBND các huyện, thành phố chủ động tham mưu với UBND tỉnh việc cho phép các trường học chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp với tình hình ở từng địa phương; phối hợp kịp thời với ngành y tế triển khai tiêm vắc xin cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh từ 12 - 17 tuổi.
Đối với công tác chỉ đạo, triển khai dạy học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, bao gồm cả giáo dục thường xuyên, cao đẳng sư phạm, tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 7/2/2022. Tỉ lệ học sinh đi học trực tiếp tính đến ngày 15/2 đối với bậc mầm non là 39,82%, tiểu học 84,47%, THCS 87,25%, THPT 85,13%, GDTX 86,36% và cao đẳng sư phạm 64,97%.
Mặt khác, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Sở Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý Phòng Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý, nhân viên y tế trường học hoặc giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học của các đơn vị trường học từ mầm non đến THPT về nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong việc xây dựng kịch bản, phương án xử lý tình huống khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong trường học đối với các trường tổ chức dạy học trực tiếp. Đồng thời, Sở cũng đã phối hợp Sở Y tế ban hành phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và hiện đang thực hiện Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT ngày 27/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Sổ tay bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung).
|
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tặng hoa chúc mừng lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo nhân dịp khai giảng năm học 2021 - 2022 |
- Phóng viên:
Bà có thể nêu một số giải pháp cụ thể về tăng cường dạy học thích ứng với đại dịch trong thời gian tới?
- Bà Phạm Thị Hồng Hải:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền thông. Thông tin kịp thời đến phụ huynh, học sinh các thông tin về tình hình dịch Covid-19; các thông điệp 5K + vắc xin + thuốc điều trị + ý thức người dân; phát huy tối đa hiệu quả của các kênh thông tin như: Zalo, e-mail, trang thông tin… để liên lạc, cập nhật kịp thời tình hình học sinh với giáo viên, phụ huynh; yêu cầu 100% cán bộ, công nhân viên và học sinh thực hiện cài đặt và khai báo y tế.
Hai là, chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, điều chỉnh nội dung giảng dạy theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, để giúp học sinh tiếp tục học tập bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và gia đình học sinh. Bên cạnh việc tranh thủ “thời gian vàng” đẩy mạnh việc dạy học trực tiếp, ngành giáo dục và đào tạo đã tiến hành tập huấn cho giáo viên các cấp học làm quen với hình thức dạy trực tuyến. Quan điểm của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh là ứng phó linh hoạt, phù hợp với mọi diễn biến của tình hình dịch bệnh và quyết không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau do dịch Covid-19. Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trước diễn biến mới. Chủ động, linh hoạt, thích ứng điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch Covid-19 sẵn sàng cho các phương án dạy học nếu dịch diễn biến phức tạp.
Ba là, đảm bảo độ phủ vắc xin cho học sinh và giáo viên trên toàn tỉnh, phối hợp kịp thời với ngành y tế triển khai tiêm vắc xin cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh từ 12 - 17 tuổi. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, trừ một số người có bệnh lý nền không tham gia, và đang tiến hành tiêm mũi 3 cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án đã được phê duyệt, đặc biệt là kinh phí triển khai chương trình GDPT 2018…
- Phóng viên: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
|
Làm bài thi môn Tin học trong bối cảnh phòng dịch Covid-19 |
|
Học sinh tiểu học tại Đà Lạt ngày đầu tiên học trực tiếp |
MINH ĐẠO (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin