Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận: Phòng dịch vẫn là chính

07:03, 03/03/2022
[links()]

 
LST: Dịch Covid-19 dù cơ bản đã được khống chế nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều biện pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả để từng bước đưa đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, bứt phá mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. 
 
Báo Lâm Đồng điện tử đã có tuyến bài phỏng vấn lãnh đạo các ngành, địa phương xung quanh nội dung này.  
 
 
•  Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay tại địa phương như thế nào?
 
•  Ông Nguyễn Đức Thuận: Hiện tại, Lâm Đồng đang triển khai 6 nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống dịch như sau:
 
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhất là trong dịp lễ… tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không lo sợ, mất bình tĩnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia của Nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, thích ứng với tình hình bình thường mới; thống nhất nhận thức “phòng dịch vẫn là chính”.
 
Thứ hai, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, phù hợp với từng vùng, từng địa bàn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022. Tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân không được lơ là, chủ quan khi đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, mà phải tuân thủ theo nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân. Khuyến cáo mỗi người dân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... tự xét nghiệm theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của ngành y tế, khi có trường hợp tự xét nghiệm dương tính hoặc có các biểu hiện nghi mắc Covid-19 như: Sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác báo cho y tế địa phương để kịp hỗ trợ, cách ly, điều trị theo quy định.
 
Triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân phòng Covid-19 tại TP Đà Lạt
Triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân phòng Covid-19 tại TP Đà Lạt
 
Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại để đạt được và duy trì miễn dịch cộng đồng; đặc biệt, chú ý bảo vệ người già và người mắc bệnh nền, ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ… để duy trì sản xuất. Tổ chức tiêm nhanh, đảm bảo an toàn, khi có vắc xin được phân bổ. Triển khai tổ tiêm vắc xin lưu động tại hộ gia đình để tiêm cho đối tượng nguy cơ, bệnh nền, không đi lại được tại các xã, phường, thị trấn.
 
Thứ tư, tiếp tục đào tạo tập huấn để đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, cán bộ tăng cường… nắm chuyên môn điều trị, chăm sóc, nâng cao hiệu quả giảm tử vong, giảm bệnh nặng chuyển tầng. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm nhanh, phát hiện kịp thời các trường hợp F0 để điều trị ngay, không để có biến chứng nặng. Rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hoá chất xét nghiệm, ô xy y tế... để chủ động, đáp ứng các cấp độ dịch. 
 
Thứ năm, tiếp tục tổ chức cách ly y tế tại nhà các đối tượng F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà khi đủ điều kiện theo đúng quy định, chú ý đảm bảo thuốc điều trị cho người bệnh, tuyệt đối không để thiếu thuốc, đảm bảo công bằng, khách quan trong cung cấp thuốc chữa bệnh. Tổ chức phân tầng đúng, theo dõi F0 tại nhà để phát hiện và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp chuyển nặng để điều trị đúng, giảm tử vong.
 
Sàng lọc SARS-CoV-2 cho đối tượng nguy cơ trong trường học
Sàng lọc SARS-CoV-2 cho đối tượng nguy cơ trong trường học
 
Thứ sáu, tuân thủ các giải pháp theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và và Quyết định số 2563/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và thị trường lao động vận hành thông suốt.
 
•  Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu, kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh nhà năm 2022?
 
•  Ông Nguyễn Đức Thuận: Năm 2022, toàn ngành nỗ lực quyết tâm thực hiện đạt các chỉ tiêu về lĩnh vực y tế theo Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng - hệ thống chính trị năm 2022. Cụ thể, duy trì tỷ lệ 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ số bác sỹ /vạn dân là 8,2; tỷ số giường bệnh/vạn dân đạt 20,2 và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,0%. Tiếp tục tuyển dụng viên chức trong đơn vị sự nghiệp nhằm từng bước xây dựng đội ngũ viên chức đủ về số lượng, đúng cơ cấu, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao.
 
Các bác sĩ, điều dưỡng Khu điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng phẫu thuật thành công cho thai phụ nhiễm Covid-19 sinh con sớm
Các bác sĩ, điều dưỡng Khu điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng phẫu thuật thành công cho thai phụ nhiễm Covid-19 sinh con sớm
 
Triển khai các hoạt động lĩnh vực y tế dự phòng - dân số nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tỉnh; tập trung vào các hoạt động quản lý sức khỏe người dân, phòng chống các bệnh không lây nhiễm; theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình. Tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên môn thông qua công tác đào tạo, các đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật... đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
 
Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện duy trì và nâng cao quản lý chất lượng bệnh viện; nâng cao y đức, thái độ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, hướng đến sự hài lòng người bệnh. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh y tế cơ sở, nói riêng và nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân nói chung. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tập trung xây dựng phần mềm quản lý hoạt động y tế xã, phường, thị trấn; khám chữa bệnh từ xa...
 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)