Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm 5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 19 trung tâm GDNN (12 trung tâm công lập, 7 trung tâm tư thục) và 13 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN hiện đang đào tạo 80 ngành, nghề các trình độ, trong đó, có 50 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.
|
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng thời điểm dạy học trực tuyến, tháng 3/2022 |
•
LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO NĂM 2021 ƯỚC ĐẠT TRÊN 71%
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở GDNN ở Lâm Đồng đã đơn giản thủ tục và linh hoạt hình thức tuyển sinh cũng như hình thức đào tạo để thu hút người học nghề. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lâm Đồng Bùi Quang Sơn cho biết, năm 2021, hệ thống cơ sở GDNN của tỉnh đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ cho 27.582 người, gồm 749 cao đẳng, 1.854 trung cấp, 16.169 sơ cấp, 8.756 đào tạo dưới 3 tháng và thường xuyên. Tuyển sinh đạt 76,5% kế hoạch; so với kế hoạch cao đẳng đạt 68,1%, trung cấp đạt 109%, sơ cấp đạt 134,7%, đào tạo dưới 3 tháng và thường xuyên đạt 41,3%. Tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng học trung cấp là 1.297 học sinh. Cũng trong năm, toàn tỉnh có 18.925 người tốt nghiệp GDNN. Kết quả tốt nghiệp đạt 54,7% kế hoạch (cao đẳng 39,5%, trung cấp 58,6%,sơ cấp 90%, đào tạo dưới 3 tháng và thường xuyên 36%).
Cũng theo Sở LĐTB&XH, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 của Lâm Đồng ước đạt 71,2%, tăng thêm 1,2% so với năm 2020,(kế hoạch năm 2021 là 73,2%). Lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ ước đạt 21%, tăng 1% so với năm 2020 (kế hoạch năm 2021 là 22%).
Năm 2022, các cơ sở GDNN đã cho học sinh, sinh viên học trực tiếp (Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng là đơn vị cuối cùng dạy học trực tiếp vào ngày 14/2/2022). Trong 02 tháng, GDNN Lâm Đồng đã tuyển sinh được 242 người (129 trình độ cao đẳng, 113 trình độ sơ cấp).Có 5.285 người tốt nghiệp trình độ sơ cấp. Tỉ lệ tốt nghiệp tăng 170% so với cùng kỳ (do tồn đọng năm 2021); hiện còn trên 7.000 học viên chưa được tốt nghiệp.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lâm Đồng Bùi Quang Sơn cũng cho biết: Trong tháng 3, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển GDNN năm 2022 phù hợp với nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện Chiến lược giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng(gọi tắt là Kế hoạch 1040).
•
LÂM ĐỒNG HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
Kế hoạch 1040 do UBND tỉnh ban hành ngày 22/2/2022, với mục tiêu phát triển nhanh GDNN để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.Theo đó, đến năm 2025, tuyển mới đào tạo nghề cho 36.000 người/năm. Tỉ lệ học sinh, sinh viên, học viên là nữ tham gia học tập trong GDNN đạt trên 50% trong tổng chỉ tiêu tuyển mới hàng năm.Thu hút 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập trong hệ thống GDNN.Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 30% lực lượng lao động.Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,6%;tỉ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%.
Trên địa bàn tỉnh có 1 trường cao đẳng thuộc địa phương quản lý đạt trường chất lượng cao và tương đương trình độ các nước ASEAN-4...; 100% trường cao đẳng, trường trung cấp đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng;trung tâm GDNN công lập đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại và là vệ tinh, điểm đào tạo của trường cao đẳng.Phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập đạt 40%. Lâm Đồng phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.
Để đạt các mục tiêu cụ thể trên, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN;Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN; gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN.
Vấn đề còn lại là đồng bộ phối hợp và thực hiện quyết liệt từ các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, các tổ chức, các đoàn thể và các cơ sở GDNN.Về kinh phí thực hiện, bao gồm: nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác. Và đó là nguồn thu học phí; thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hoạt động liên doanh, liên kết; cho thuê tài sản công theo quy định của pháp luật và mặt khác, huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin