Phát triển hạ tầng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục; đồng thời, củng cố và hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học theo quy hoạch; xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia... Theo đó, ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư xã hội hóa cơ sở giáo dục theo hướng chất lượng cao các địa bàn phát triển, khu dân cư tập trung.
|
Trường Tiểu học Quảng Hiệp, Đức Trọng xây mới với tổng mức đầu tư trên 18,7 tỷ đồng, đưa vào sử dụng trong năm học 2021-2022. |
Đây là một số nội dung trong mục tiêu cơ bản được nêu lên tại Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025.
•
TRÊN 81% TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mới đây cho biết, trong 5 năm, kết quả xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau. Cấp mầm non có 1.472 phòng học (đạt 96,84% so với số lớp). Về trang thiết bị dạy học tối thiểu, có 1.377/1.472 lớp đủ đồ dùng theo quy định, chiếm tỷ lệ 93,54%. Có 74,24% điểm trường có ít nhất 5 loại thiết bị, đồ chơi ngoài trời. Ở cấp tiểu học có 3.824 phòng học (đạt 92,36% so với số lớp).Trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học như phòng học ngoại ngữ, phòng tin học, máy chiếu, phần mềm soạn giảng, máy photocopy, bảng tương tác thông minh activboard. Đối với trung học cơ sở, có 2.632 phòng học (đạt 100% so với số lớp) đảm bảo số phòng học/lớp. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, các đơn vị đã trang bị nhiều thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Và đối với cấp trung học phổ thông, có 1.232 phòng học (đạt 92,08% so với số lớp). Thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học của các đơn vị trường.
Thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy, thời gian qua, ngành Giáo dục Lâm Đồng còn triển khai hoàn thiện hệ thống trường dân tộc nội trú; trong đó, 8 trường phổ thông dân tộc nội trú đã đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh còn đầu tư xây dựng mới 2 trường chuyên cấp tỉnh tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc. Theo đó, giữ quy mô với tỉ lệ học sinh chuyên chiếm 3,3% số học sinh THPT của tỉnh.
Tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những thành tích đáng ghi nhận của Lâm Đồng. Tính đến 30/6/2021, số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia năm học 2020-2021 toàn tỉnh là 516/689 trường, đạt tỷ lệ 74,9%; trong đó, trường công lập đạt 509/626 trường, tỷ lệ 81,3%, đạt so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao.(Năm 2016, tỉnh giao chỉ tiêu 48-50%, đạt 48,9%; 2021, giao 81%).
Năm năm thực hiện Nghị quyết 06, điểm nổi bật là quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của Nhân dân và xã hội; quy hoạch mạng lưới trường học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố; trang thiết bị dạy học được bổ sung, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT. Đó còn là tăng cường quản lý Nhà nước, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục; sự gắn kết tốt hơn giữa các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp...
•
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ VÀ TÍNH HIỆU QUẢ TRONG SỬ DỤNG
Tuy nhiên, cũng cần chỉ ra những tồn tại tiếp tục khắc phục như, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng hết các mục tiêu giáo dục; chất lượng giáo dục một số địa bàn vùng sâu,vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa thật vững chắc.Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi còn thấp, đặc biệt nhà trẻ; bình quân số học sinh/lớp ở cấp tiểu học và THCS các trường trung tâm thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc còn cao.Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mới chỉ đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu và chưa đồng bộ; số phòng học xuống cấp còn nhiều; nhiều trường chưa có phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành theo quy định tại Thông tư 13 của Bộ GDĐT.
Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách xã hội hóa chưa đồng bộ, kịp thời như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, đặc biệt, quỹ đất công hầu như không có để giao hoặc cho thuê đối với nhà đầu tư, do đó việc thành lập các cơ sở giáo dục mầm non và THPT ngoài công lập ở Đà Lạt và Bảo Lộc còn chậm, do đó, tỷ lệ trường và học sinh ngoài công lập còn thấp.
Hướng đến năm 2025, nhiệm vụ chủ yếu là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh,sinh viên, bảo đảm an toàn trường học. Đó còn là, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tích cực và phát huy giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Và hội nhập quốc tế trong GDĐT; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GDĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thực hiện, các giải pháp cơ bản, cũng có nghĩa là những điều kiện then chốt, bao gồm: cải cách thủ tục hành chính về GDĐT; năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; các nguồn lực đầu tư cho GDĐT; công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; công tác truyền thông về GDĐT. Ngày 15/3/2022, Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải đã ký văn bản gửi các Phòng GDĐT và các đơn vị trực thuộc việc tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin