Hơn 35 năm giữ lửa lò rèn

05:03, 29/03/2022
Hơn 35 năm nay, đều đặn 4 h30 sáng hàng ngày, lò rèn của ông Lê Xuân Trường (Đội 7, Thôn Đan Phượng 1, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) lại đỏ lửa bất kể mưa gió. Nặng lòng với lửa than, đe, búa và cả lòng tự hào về nghề gia truyền, ông Trường vẫn miệt mài với nghề rèn vất vả và chẳng còn có mấy ai mặn mà.
 
Hơn 35 năm nay, đều đặn 4h30 sáng mỗi ngày, lò rèn của gia đình ông Lê Xuân Trường lại đỏ lửa
Hơn 35 năm nay, đều đặn 4h30 sáng mỗi ngày, lò rèn của gia đình ông Lê Xuân Trường lại đỏ lửa
 
Nghề rèn thủ công đã từng phát triển trong những năm đầu người dân vào mảnh đất Lâm Hà xây dựng vùng kinh tế mới, khi nhu cầu về những dao, cuốc, những búa, xẻng,... phục vụ cho sản xuất tăng cao. Thế nhưng bây giờ, cả xã Tân Hà chỉ còn duy nhất lò rèn của ông Trường là vẫn duy trì hoạt động để phục vụ cho nhu cầu của người dân cả 6 xã vùng Lán Tranh. Và mới đây, mới hiếm hoi có thêm một lò rèn nữa mở ra, cũng là thợ học nghề từ lò rèn của ông Trường dựng nên.
 
Kể về nghề rèn, ông Trường bảo, anh con trai của ông bà bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm ông làm nghề, nghĩa là đã hơn 35 năm kể từ năm 1985 khi ông từ Tuyên Quang vào Tây Nguyên xây dựng cuộc sống mới. Ngày đó đường sá hoang vu, bữa cơm, manh áo còn thiếu thốn. Ban ngày, ông cùng vợ đi làm thuê, phát rẫy, ban đêm lại thắp đèn làm nghề rèn cho tới khuya. Sáng dậy sớm đỏ lửa rèn tiếp rồi mới đi làm cho người ta. Say nghề, nghề chẳng phụ. Chăm chỉ, cần cù như vậy, nên ông bà bảo rằng tuy không làm giàu được, nhưng nghề rèn giúp gia đình đủ ăn và nuôi con cái nên người như hôm nay.
 
Mấy anh em trong nhà ông Trường đều thừa kế nghề rèn từ gia đình, nhưng rồi cũng dần bỏ hết, chỉ còn mỗi ông gắn bó với nghề. Ông bảo, cũng như bao nghề khác, nghề thợ rèn cũng phải chịu khó học hỏi, nếu chỉ làm mãi như ngày xưa thì không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ông tự dặn mình phải học hỏi, tiếp thu và đổi mới liên tục. Đôi bàn tay người thợ dù chai sạn, nhưng lại tỉ mỉ đến từng chi tiết cho sản phẩm mình làm nên.
 
Nở nụ cười hồn hậu, chân chất trên khuôn mặt rám nắng vì đã bao năm gắn bó với cái nóng từ lửa lò rèn, ông Trường chia sẻ: “Làm nghề rèn phải kiên trì, nhẫn nại và cẩn thận. Quan trọng nhất với nghề rèn là nước tôi. Mẫu mã là một chuyện, nhưng nước tôi là yếu tố quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Cũng là cây sắt này, nhưng mình lấy nước khác người ta thì chất lượng thành phẩm sẽ khác, đó là bí quyết, cũng là nghệ thuật của người làm nghề”. Người thợ rèn lành nghề năm nay đã bước qua tuổi 60 tự hào khoe rằng, mình chỉ cần nhìn qua dụng cụ là sẽ mày mò làm được cái y hệt, với chất lượng và công năng tương đương. Đó vừa là cái khiếu, vừa là duyên với nghề. 
 
Vợ ông, bà Trần Thị Xa (62 tuổi) cũng đã đồng hành với chồng bao nhiêu năm nay bên lò rèn. Từ những ngày đầu lóng ngóng với công việc nặng nhọc, bà dần trở thành người hỗ trợ đắc lực, quai búa thành thạo phụ chồng. Bà bảo, theo nghề rèn là chấp nhận vất vả, nhọ bẩn và tiếng ồn cả đời. Bây giờ thì hàng công nghiệp đã đầy rẫy, thay thế cho nhiều sản phẩm được rèn thủ công. Nhưng mỗi con dao làm ra được truyền tiếng khen từ người này sang người khác, hay 50 con dao được gửi xuống bếp ở TP Hồ Chí Minh mỗi năm đã là điều khiến người phụ nữ của gia đình này vui và hạnh phúc nhất với nghề.
 
Khi được hỏi có tai nạn nào với nghề, ông Trường cười bảo không có gì quá nghiêm trọng, bởi vết sẹo cũ chưa kịp mờ đã lại hằn sẹo mới. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, điều luôn khiến ông tự hào là chất lượng sản phẩm tạo nên uy tín và thương hiệu của mình. Người từ Đà Lạt, Di Linh, Đam Rông, kể cả Gia Lai, Đak Lak đều tìm tới lò rèn của ông để mua sản phẩm, nhất là dụng cụ chẻ đá viên. Người đặt nhiều, nhưng lò rèn chỉ có một mình ông nên sản phẩm làm ra chẳng đủ để bán. Đến xưởng rèn từ lúc ngày mới vẫn còn chìm trong sương mù, ông Hà Thế Bình - thợ đá ở xã Đan Phượng bảo,  từ chỗ ông ra đến Tân Hà tận hơn 10 km, nhưng cứ hư cái gì là ông lại mang tới xưởng rèn ông Trường sửa để yên tâm. “Tôi đi qua bao nhiêu xưởng mới tìm được nơi hài lòng nhất. Có khi đồ mang ra, ông Trường sẵn sàng chỉnh lại mà không lấy tiền” - ông Bình kể.
 
Giờ đây, con cái chẳng chịu theo nghề, nhưng không phải ai tìm đến học ông Trường cũng nhận dạy, dù vô cùng mong muốn và sẵn sàng truyền nghề. “Vì người ta không có khiếu, không học đến nơi đến chốn, không tiếp thu được như mình nên mình không dạy được. Thế nên, từ bao nhiêu năm nay, chỉ có mỗi 2 người học nghề rồi một người lập được xưởng riêng, một đứa cháu vẫn đang tập tành thử làm ở nhà trước khi mở xưởng. Thôi thì như vậy cũng tạm an ủi khi tôi vẫn chưa hẳn là không có người nối nghề” - ông Trường chia sẻ.
 
Bây giờ, dù ông bà đều đã bước qua tuổi 60, sức khỏe không còn như trước, nhưng lò rèn thì vẫn đều đặn đỏ lửa mỗi ngày. Thương bố mẹ vất vả, con cái đòi bán hết máy móc để ông bà nghỉ ngơi tuổi già, nhưng ông không chịu vì còn mãi lưu luyến nghề. Chỉ vào cái đe là thứ gắn bó nhất với cuộc đời mình từ lúc mới mở xưởng cho tới tận bây giờ, ông Trường chia sẻ: “Nghề rèn không chỉ là nghề kiếm ăn, mà còn là đam mê của tôi, tất cả tâm sức và trí tuệ tôi đặt hết vào đây. Tôi vẫn sẽ làm cho tới khi người ta không cần nữa, và mình không làm nổi nữa thì thôi”. Lắng nghe câu chuyện nghề được kể với giọng sôi nổi và ánh mắt vẫn tràn đầy niềm vui và nụ cười hồn hậu của cả hai ông bà, chúng tôi hiểu rằng, tình yêu với nghề, với nhịp búa, tiếng đe, với muội khói than và mùi sắt thép... sẽ vẫn luôn rực cháy như ngọn lửa lò rèn mà ông bà đã giữ hơn 35 năm nay.
 
V.QUỲNH - C.THÀNH