Không có chuyện Việt Nam mua vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em mà chưa kiểm chứng về tác dụng phụ

08:03, 21/03/2022
(LĐ online) - Thời gian gần đây, với chiêu bài cũ, thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn không ngừng tung các chiêu bài nhằm chống phá công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta. 
 
 
Chúng lợi dụng số ca bệnh tăng nhanh, hạn chế thiếu sót trong công tác phòng dịch và chiến dịch tiêm chủng để phê phán chủ trương chính sách của chính quyền các cấp, công kích các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc công tác phòng chống dịch của Chính phủ không hiệu quả, năng lực quản lý chính quyền các cấp yếu kém dẫn đến tình trạng “loạn giá điều trị, người dân đổ xô đi mua kit test, thủ tục để mua thuốc điều trị Covid-19 khó khăn, chờ đợi giấy công nhận F0 “mòn mỏi”…; độ bao phủ vắc xin ở Việt Nam cao nhưng tỷ lệ mắc bệnh ngày càng nhiều; tán phát thông tin sai lệch cường điệu hoá tác dụng phụ của vắc xin gây hoang mang dư luận…
 
Đặc biệt, ngày 05/02/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
 
Ngay lập tức, một số trang tin, tài khoản mạng xã hội, điển hình như Đài Á châu Tự do (RFA), tổ chức khủng bố Việt Tân, một số tài khoản facebook của một số kẻ cơ hội chính trị… đăng tải nhiều bài viết sai lệch, phiến diện, phản đối Nghị quyết 14-NQ/CP của Chính phủ với các luận điệu như việc mua vắc xin Covid-19 Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi mà chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng về tác dụng phụ của vắc xin, kêu gọi các phụ huynh từ chối tiêm chủng; vu cáo Bộ Y tế cấu kết báo chí định hướng việc tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, không quan tâm hậu quả…
 
Xin thông tin rằng, đối với vắc xin Pfizer (tới đây Việt Nam sẽ tiêm cho trẻ em), theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh liều sốc phản vệ ngay cả người lớn khi tiêm Pfizer và những vắc xin khác thì tỷ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/1.000.000 liều tiêm. Đặc biệt đối với vắc xin Pfizer thì tỷ lệ là 9,3/1.000.000 liều tiêm và không có ca nào tử vong. So sánh với những vắc xin khác đã tiêm cho trẻ như vắc xin phòng dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vắc xin Covid-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm đứng hàng thứ 5...
 
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ngày 29/10/2021 đã cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer cho trẻ dưới 12 tuổi. Tiến sĩ Janet Woodcock, quyền ủy viên FDA, cho biết: "Là một người mẹ và một bác sĩ, tôi hiểu rằng phụ huynh, bảo mẫu, giáo viên và trẻ em đã chờ đợi quyết định này, tiêm phòng cho trẻ nhỏ sẽ đưa chúng ta đến cuộc sống bình thường mới".
 
Chỉ tính đến 2/2, 8,6 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, chiếm 30% trong nhóm dân số này. 6,2 triệu trẻ đã tiêm đủ hai liều vắc xin.
 
Theo dữ liệu thực tế và thử nghiệm lâm sàng, trẻ thường đau tại vùng tiêm, sốt nhẹ, đau đầu. Phản ứng tương tự với các nhóm tuổi khác. Sau liều thứ hai, 39% trẻ nhỏ cảm thấy mệt mỏi và 28% báo cáo hiện tượng đau đầu. Dưới 10% các em bị sốt và đau cơ. Công bố đầu tháng 1 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tiêm vắc xin Pfizer hiếm khi gặp phản ứng phụ nghiêm trọng. Cơ quan này nhận được 11 báo cáo về chứng viêm cơ tim trên hơn 8 triệu liều đã triển khai và tất cả đều biểu hiện nhẹ.
 
Tại Singapore, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi hiện là nhóm có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất, theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung. Nước này ráo riết triển khai chương trình tiêm chủng cho nhóm tuổi trên nhằm ngăn ngừa vi rút lây lan.
 
Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) hôm 11/12 đã phê duyệt vắc xin Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Ngày 19/1, HSA cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vắc xin Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng…
 
Cũng trong những ngày gần đây, khi báo Sức khoẻ và Đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) và các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài Truyền hình Việt Nam… đã đăng tải các bài viết cảnh báo Covid-19 làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường ở trẻ em, ngay lập tức, trên một số diễn đàn cũng đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc về vấn đề này. Đơn cử, ngày 9/3, tài khoản facebook Tiền Khai Nhãn đã đăng tải: Đang thần tốc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi… nên hù doạ bằng tuyền thông… 
 
Xin khẳng định rằng, những thông tin mà các báo chính thống tại Việt Nam thông tin là hoàn toàn có sơ sở khoa học. Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, trẻ em phục hồi sau mắc Covid-19 dường như có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường cao hơn 166% so với những trẻ chưa nhiễm vút này, những người mắc Covid-19 có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 116% so với những người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp trong thời kỳ trước đại dịch… 
 
Trước những thông tin bịa đặt, vu cáo của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm xuyên tạc, chống phá công tác phòng chống dịch của nước ta nói chung và công tác tiêm chủng cho trẻ em nói riêng, hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam cần tỉnh táo, có cái nhìn khách quan, toàn diện, đa chiều, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống Covid-19.
 
Quay lại vấn đề Chính phủ ban hành Nghị quyết 14 về việc mua vắc xin Covid-19 Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và Bộ Y tế ban hành Quyết định số 457/QĐ-BYT (ngày 01/3/2022), sửa đổi Điều 1, Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, đây rõ ràng là thông tin vui đối với nhiều người dân, bởi trẻ em đang là đối tượng có nguy cơ bị tổn thương cao do Covid-19 tấn công khi chưa được tiêm vắc xin. 
 
Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới; trong đó. có Việt Nam. Đặc biệt, khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt thì tỷ lệ trẻ em chưa tiêm chủng mắc bệnh tăng nhanh và đòi hỏi phải có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là cần thiết và đã được tổ chức lấy ý kiến từ cha mẹ có con trong độ tuổi và ý kiến của người dân. Đa số người dân, nhất là các bậc phụ huynh, đồng tình, ủng hộ kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi của Bộ Y tế. 
 
Theo kết quả khảo sát của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, tổ chức khảo sát thu thập ý kiến người dân tại 63 tỉnh, thành về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, có 78% số người được hỏi cho biết "rất quan tâm" đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em 5 đến 11 tuổi; tỷ lệ "khá quan tâm" là 19%; chỉ 1% số người trả lời cho biết "ít hoặc không quan tâm" đến vấn đề này. 78% ý kiến cho rằng việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi là "rất cần thiết, cần tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em càng sớm càng tốt"; 81% cho biết "sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng Covid-19" nếu ngành y tế tổ chức chiến dịch tiêm cho trẻ 5 đến 11 tuổi trong thời gian tới. Trong nhóm những người có con ở độ tuổi 5 đến 11 tuổi, tỷ lệ sẵn sàng là 80%. 
 
Hiện nay, đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho hơn 60 quốc gia trên thế giới để triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em lứa tuổi này. Các nước châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việt Nam đang tích cực triển khai tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp.
 
Trẻ em là tương lai của đất nước, do đó Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm to lớn cho trẻ em. Việc tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên lựa chọn tiêm cho các bé. Các chuyên gia cũng khẳng định, nhìn từ góc độ quyền của trẻ em thì đây là quyền được tiêm chủng, quyền không bị lây nhiễm bệnh tật; nếu chúng ta không ủng hộ tiêm chủng thì vô hình chung đã tước bỏ quyền lợi chính đáng của trẻ em. 
 
SONG HOÀNG