Mãi khắc nhớ và tri ân 64 liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma

06:03, 14/03/2022
(LĐ online) - Ngày 14/3/1988 là một ngày đặc biệt đối với người dân Việt Nam. 
 
Cán bộ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại Sân bay Trường Sa Lớn
Cán bộ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại Sân bay Trường Sa Lớn
 
Đúng vào ngày 14/3 của 34 năm trước, rạng sáng ngày 14/3/1988, biên đội tàu chiến 502 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc gồm 2 tàu khu trục 502, 531 và tàu hộ vệ 556 đã vô cớ nổ súng tấn công các chiến sĩ công binh của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 2 tàu vận tải cỡ nhỏ của hải quân ta đã bị bắn chìm, 1 tàu đổ bộ bị bắn cháy, hư hỏng nặng, 64 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chỉ 8 chiến sỹ được đồng đội đưa được về, 56 người mãi mãi nằm lại vùng biển Gạc Ma. 
 
Thả hoa tưởng niệm 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma
Thả hoa tưởng niệm 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma
 
Tôi may mắn được đến đảo Len Đao vào đầu tháng 4/2017 nhân đợt tỉnh Lâm Đồng thành lập đoàn ra thăm các đảo và nhà giàn thuộc huyện đảo Trường Sa và cắt băng khánh thành khu nhà ở mà Nhân dân Lâm Đồng đã đóng góp kinh phí xây tặng cho các chiến sỹ đảo Sơn Ca. 
 
ồng chí Nguyễn Xuân Tiến – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng tặng quà cho các chiến sỹ đảo Len Đao
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng tặng quà cho các chiến sỹ đảo Len Đao
 
Trong chuyến đi đến 12 đảo và 1 nhà giàn lần ấy, hình ảnh và câu chuyện khiến tôi vô cùng xúc động và đọng mãi đến hôm nay không phải là sự đổi thay khang trang và xanh mát cùng cuộc sống bám đảo kiên cường của rất nhiều người dân và các chiến sỹ hải quân đang sinh sống ở các đảo lớn như Song Tử Tây, Sơn Ca hay Trường Sa… mà là hình ảnh mô hình một trong những chiếc thuyền công binh huyền thoại của các chiến sỹ hải quân trong cuộc xâm chiến của Trung Quốc vào ngày 14/3/1988 khi ngồi trên ca nô di chuyển từ tàu lớn vào thăm các chiến sỹ ở đảo Len Đao. Tại Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, hải quân ta đã đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, ta bảo vệ thành công Len Đao đến ngày hôm nay.
 
Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tặng quà cho người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn.
Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tặng quà cho người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn.
 
Trước khi vào đảo Len Đao và Sinh Tồn, đoàn chúng tôi được tham dự lễ tưởng niệm ngay giữa biển, nơi các anh hùng đã hy sinh và được nghe kể nhiều câu chuyện bi tráng về các chiến sĩ hải quân đã chiến đấu và anh dũng hi sinh tại cụm đảo chìm này. Giữa biển, giọng đọc bài tưởng niệm của chiến sỹ hải quân vang lên to và mạnh mẽ, nhưng giờ phút ấy tất cả chúng tôi lại không thể kìm được nước mắt: "Đảo Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hi sinh, giành giật từng tấc đảo và bảo vệ những phiến đá kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử được cha ông ta giữ gìn từ lâu đời. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền. Trước lúc hi sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô vang quyết tâm "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân. Các anh đã gác lại bao ước mơ, hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh vẫn còn đó đang lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh sẽ muôn đời được các thế hệ hôm nay và mai ghi nhớ!".
 
Đoàn Lâm Đồng chụp ảnh lưu niệm tại đảo Trường Sa Lớn
Đoàn Lâm Đồng chụp ảnh lưu niệm tại đảo Trường Sa Lớn
 
Đảo Len Đao và Cô Lin là 2 điểm đảo rất gần và cho đến tận hôm nay vẫn là 2 hòn đảo vô cùng "nhạy cảm" vì nằm rất gần với hòn đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của đất nước ta vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Đứng ở trên tầng 2 của đảo Len Đao, dùng tele, theo hướng chỉ của các chiến sỹ trên đảo tôi vẫn có thể nhìn thấy rất rõ hình ảnh đảo Gạc Ma thân yêu nổi rất rõ trên nền xanh bao la của nước biển. Hình dáng xưa của hòn đảo nay đã không còn nguyên như cũ bởi Trung Quốc đã cho bồi đắp, tôn tạo và xây lại, nhưng ở nơi ấy hình ảnh của 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến để giành giật hòn đảo nhỏ với giặc thì sẽ không bao giờ quên trong lòng các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Và sự kiện ngày 14/3/1988, gắn với những địa danh Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin đã trở thành bất tử trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 
 
Những ngày tháng Ba lịch sử này, muôn triệu trái tim Việt Nam đang hướng về Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc để nhắc nhớ và thành kính tri ân những người con anh dũng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biển đảo của đất nước.
 
NGUYỄN NGHĨA