Năm học 2022-2023, toàn quốc tiếp tục áp dụng sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các lớp 3, 7 và 10. Các nhà xuất bản đã giới thiệu sách giáo khoa (SGK) đến tỉnh Lâm Đồng và hiện, SGK đã gửi đến các cơ sở giáo dục (CSGD) để tiến hành lựa chọn.
|
Trên 500 điểm cầu trực tuyến về hội thảo SGK lớp 7 và lớp 10 ở Lâm Đồng |
•
CHẶT CHẼ VỀ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO
Có 2 văn bản cơ bản trong chỉ đạo và quán triệt, đó là Thông tư số 25/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định việc lựa chọn SGK và Quyết định số 556, năm 2021, của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành tiêu chí lựa chọn SGK. Chúng tôi lược nêu một vài nội dung chính từ hai văn bản này. Tại Thông tư 25, Điều 2, về nguyên tắc lựa chọn, “Lựa chọn SGK thuộc danh mục SGK đã dược Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) ở một khối lớp lựa chọn một hoặc một số SGK. Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật”. Điều 3, tiêu chí lựa chọn, “Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại CSGD phổ thông”. Theo đó, thành lập các hội đồng lựa chọn của mỗi môn học/cấp học do UBND tỉnh quyết định. Hội đồng có trách nhiệm đề xuất danh mục SGK để sử dụng và báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các CSGD phổ thông. Các ủy viên hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu tiêu chí lựa chọn SGK, tài liệu liên quan; nhận xét, đánh giá, lựa chọn bằng văn bản và có ý kiến, chịu trách nhiệm về ý kiến, nhận xét, đánh giá, lựa chọn... Để có cơ sở cho hội đồng làm việc, CSGD phổ thông đề xuất lựa chọn SGK (ngoài cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên còn có đại diện Ban Đại diện cha mẹ học sinh là thành phần họp để thảo luận, đánh giá). Các thành viên nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 7 ngày trước phiên họp đầu tiên của hội đồng; hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các CSGD phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. SGK được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có SGK nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn...
Đối với Quyết định 556, cần lưu ý về tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung SGK bảo đảm phù hợp định hướng phát triển giáo dục của tỉnh, năng lực chung của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm tính hiện đại, kế thừa, góp phần hội nhập và phù hợp văn hóa, lịch sử, địa lý địa phương. SGK có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học của nhà trường. Cấu trúc, nội dung SGK phải có tính mở để gắn thực tế địa phương trong quá trình triển khai bổ sung; chất lượng hình thức SGK tốt, giá thành hợp lý phù hợp điều kiện kinh tế dân cư. Đó còn là phù hợp điều kiện tổ chức dạy - học tại CSGD phổ thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, từ việc học của học sinh đến thuận tiện, hiệu quả việc dạy của giáo viên...; và điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các CSGD.
• TRÁCH NHIỆM VÀ NĂNG LỰC CỦA MỖI CÁ NHÂN
Để triển khai lựa chọn SGK năm học 2022 - 2023, ngày 10/3/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định thành lập các Hội đồng lựa chọn SGK. Theo đó, có 39 hội đồng lựa chọn SGK theo môn học/cấp học. Trong đó, lớp 3 có 11 hội đồng/11 môn gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Tự nhiên xã hội; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục thể chất; Tin học; Công nghệ; Tiếng Anh; Hoạt động trải nghiệm. Lớp 7 có 12 hội đồng/12 môn: Toán; Khoa học tự nhiên; Tiếng Anh; Lịch sử và Địa lý; Ngữ văn; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục thể chất; Giáo dục công dân; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Công nghệ; Tin học. Lớp 10 có 16 hội đồng/16 môn: Toán; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Tiếng Anh; Địa lý; Lịch sử; Ngữ văn; Giáo dục kinh tế và Pháp luật; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng. Mỗi hội đồng môn học/cấp học có 15 thành viên, Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải làm Chủ tịch, Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi làm Phó Chủ tịch. Các ủy viên là đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn, chuyên viên (Sở GDĐT); ngoài ra còn có lãnh đạo, chuyên viên Phòng GDĐT, cán bộ và giáo viên các CSGD.
Đầu năm 2022, Bộ GDĐT công bố phê duyệt danh mục SGK, lớp 3 có 43 sách, lớp 7 có 40 sách, lớp 10 có 44 sách. Tháng 3/2022, các nhà xuất bản đã phối hợp với Sở GDĐT Lâm Đồng tổ chức hội thảo trực tuyến với cán bộ, giáo viên toàn ngành Giáo dục. Sở GDĐT đã có các công văn hướng dẫn tổ chức lựa chọn SGK lớp 3 và lớp 7, lớp 10. Hướng dẫn gửi đến UBND cấp huyện, các phòng GDĐT, phòng chuyên môn trực thuộc và các CSGD với những trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, với SGK lớp 3, có biên bản thảo luận đánh giá, phiếu kín giáo viên lựa chọn; ý kiến của cha mẹ học sinh... Với SGK lớp 7 và lớp 10, Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi lưu ý: “Sở GDĐT giao trách nhiệm việc tổ chức quán triệt đến giáo viên tham gia đề xuất lựa chọn SGK phải đọc kỹ nội dung SGK, phân tích kênh chữ, kênh hình đảm bảo phù hợp theo các tiêu chí quy định tại Quyết định 556; đồng thời, việc bỏ phiếu kín đề xuất lựa chọn SGK phải công bằng, khách quan theo từng cá nhân giáo viên tham gia đề xuất lựa chọn SGK”.
Trách nhiệm rõ ràng đối với từng vị trí việc làm trong ngành Giáo dục, từ Sở GDĐT đến Phòng GDĐT, các CSGD. Đặc biệt, vai trò lãnh đạo của Sở GDĐT, phòng chuyên môn trực thuộc, Phòng GDĐT, CSGD và các giáo viên là tổ trưởng chuyên môn. Lãnh đạo Sở GDĐT cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra công tác tổ chức lựa chọn SGK tại một số CSGD phổ thông. Một bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 áp dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vào năm học 2022-2023 thực sự đảm bảo chất lượng và phù hợp, đòi hỏi quá trình lựa chọn khách quan, minh bạch, trách nhiệm cao, năng lực thẩm định tốt thì mới đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin